Việt Nam thiếu các công ty kích thích nhà đầu tư về tương lai

(ĐTCK) Trong câu chuyện thu hút vốn ngoại vào TTCK, tiến sĩ Yen, Chen-Hui, Giám đốc chiến lược Yuanta Invesment Consulting cho rằng, vấn đề lớn nhất của thị trường Việt Nam hiện nay là có quá nhiều ngành công nghiệp đại diện cho “nền kinh tế quá khứ” và thiếu ngành “tương lai”.
TS. Yen, Chen-Hui, Giám đốc chiến lược Yuanta Invesment Consulting TS. Yen, Chen-Hui, Giám đốc chiến lược Yuanta Invesment Consulting

Quý I/2020, GDP Việt Nam chỉ tăng 3,82% do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ông có dự báo gì cho cả năm 2020?

Dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên thế giới, điều này ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Việt Nam đã áp dụng các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt hơn trong tháng 4. Vì lý do này, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II/2020 có thể thấp hơn quý I.

Nhưng Việt Nam thiên về liên kết phía trước (backward linkage) trong chuỗi giá trị toàn cầu, nên khi các hạn chế về phía cung được dỡ bỏ, các hoạt động kinh tế sẽ dễ phục hồi hơn và Việt Nam có vị thế tốt để hưởng lợi từ việc chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi hy vọng, tình hình từ quý III/2020 sẽ tốt hơn nhiều.

Chúng tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ ổn định và tốc độ tăng trưởng có thể trở lại khoảng 4% trong nửa cuối năm 2020.

Nhiều người kỳ vọng, đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy việc chuyển hướng chuỗi cung ứng, dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo ông, các kỳ vọng này có khả năng xảy ra và mức độ dự kiến như thế nào?

Tôi đồng ý với xu hướng này, đó là lý do tại sao Yuanta coi Việt Nam là một “con hổ” trong lĩnh vực chế tạo.

Việt Nam được hưởng lợi từ mối quan hệ quyền lực Mỹ - Trung, với hệ thống chính trị và kinh tế độc đáo. Mặc dù cùng thể chế chính trị, nhưng hoạt động kinh tế và hệ thống thị trường Việt Nam có độ mở cao với thế giới hơn. 

Sự kết hợp độc đáo này khiến các nhà sản xuất ở Trung Quốc đang bị thách thức khi chi phí ngày một gia tăng, nên Việt Nam có thể là một phần mở rộng cơ sở sản xuất của họ. 

Nhìn rộng hơn, đối với phương Tây, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, không có gì là chắc chắn và Việt Nam nhiều khả năng là sự thay thế tự nhiên, tức là điểm đến của sự dịch chuyển sản xuất.

Về mặt địa lý, Việt Nam kết nối với phía Nam Trung Quốc, vì vậy sẽ tự nhiên tiếp quản chuỗi công nghiệp từ Quảng Đông và Quảng Tây, bao gồm dệt may, điện tử tiêu dùng và sản xuất cơ bản.

Chìa khóa cho xu hướng này là liệu Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ hay không? Việt Nam đang thiếu một ngành công nghiệp sản xuất trong nước trưởng thành, điều đó có nghĩa là sự phát triển ngành công nghiệp sản xuất bị phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. 

Hiện tại, gần 90% hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc từ các nhà máy nước ngoài. Khác với Trung Quốc, Việt Nam vẫn chưa phát triển một hệ sinh thái, trong đó FDI có thể bắt đầu từ các nhà cung cấp địa phương tham gia và hình thành chuỗi cung ứng. 

Việt Nam có thể tham khảo gì từ chính sách của các nền kinh tế trong khu vực để thu hút vốn FDI?

Tôi nghĩ, mọi người đều biết tiềm năng của Việt Nam, bao gồm chi phí lao động thấp, cơ hội từ nhiều hiệp định thương mại tự do và sự gần gũi với các cơ sở sản xuất của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của Đài Loan (Trung Quốc), có một vài chìa khóa thành công mà Việt Nam có thể tham khảo.

Đầu tiên, người Đài Loan năng động hơn trong vấn đề khởi nghiệp, điều mà Việt Nam còn thiếu trong thời gian này. Trong thời kỳ phát triển kinh tế nhanh chóng, Đài Loan đã tích cực khởi nghiệp và ra mắt một số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ năng động, nhiều doanh nghiệp sau đó phát triển thành các công ty toàn cầu. Quá trình này đã khởi động thành công chuỗi cung ứng thuộc sở hữu trong nước để hình thành động lực tăng trưởng tự phát cho nền kinh tế.

Thứ hai, chính sách ngoại hối của ngân hàng trung ương có thể dự đoán và tỷ giá ổn định. Đây là một lợi thế rất quan trọng đối với một nền kinh tế phụ thuộc vào ngoại thương. Ngoài ra, chính quyền Đài Loan cung cấp cơ sở hạ tầng thuận tiện: đường cao tốc, cảng, đường sắt và điện.

Thứ ba, đối với các ngành công nghiệp cốt lõi nhiều triển vọng, Đài Loan đã lên kế hoạch thúc đẩy các khu công nghiệp khác ngoài các khu công nghệ cao.

Trong giai đoạn dịch bệnh Codid-19, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán tháo trên thị trường chứng khoán Đài Loan, khoảng 100 tỷ USD, nhưng chỉ số chỉ giảm khoảng 10% so với trước đại dịch, nhờ Đài Loan có cán cân tài khoản vãng lai lành mạnh. Đồng thời, Đài Loan có nhiều ngành công nghệ liên quan đến xu hướng tương lai, nên ngay cả khi vốn nước ngoài rút ròng thì thị trường này vẫn có yếu tố hỗ trợ. 

Về vốn đầu tư gián tiếp, mặc dù TTCK Việt Nam được đánh giá có nhiều yếu tố hấp dẫn, nhưng thực tế vốn ngoại đổ vào còn ít (tổng giá trị danh mục đầu tư trên TTCK hiện khoảng 30 tỷ USD). Theo ông, Việt Nam thiếu yếu tố nào để thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại đầu tư vào các doanh nghiệp?

Vấn đề hiện tại của TTCK Việt Nam không chỉ là giới hạn đầu tư nước ngoài (tức room chưa được nới - PV) và thực tế là thị trường Việt Nam chưa tham gia chỉ số thị trường mới nổi của MSCI. Vấn đề lớn nhất là TTCK Việt Nam có quá nhiều ngành công nghiệp đại diện cho “nền kinh tế quá khứ” và thiếu ngành “tương lai”.

TTCK nên là nơi để các công ty tiềm năng cao huy động vốn và thị trường chứa nhiều công ty có xu hướng trong tương lai. Hiện tại, TTCK Việt Nam có đầy đủ các công ty đại diện cho xu hướng trưởng thành và các ngành công nghiệp tiêu dùng, nhưng thiếu các công ty kích thích các nhà đầu tư về tương lai. TTCK Việt Nam hiện chưa được chuyển đổi thành một nơi mà các doanh nhân thực hiện tinh thần kinh doanh/khởi nghiệp.

Thông tin chi tiết sẽ được chia sẻ trong hội thảo trực tuyến diễn ra 15h chiều nay. Quý độc giả có thể theo dõi theo link sauhttps://yuanta.com.vn/webinar

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục