Ngày mai (8/8), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bước sang tuổi 53. Trong suốt hơn 5 thập kỷ, ASEAN đã có những bước chuyển mình để trở thành một tổ chức không ngừng “gắn kết và chủ động thích ứng” trước những thay đổi, biến động của thế giới và khu vực.
Thưa ông, vì sao sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN được đánh giá là một trong 3 dấu mốc quan trọng của tổ chức này?
Việt Nam tham gia ASEAN năm 1995, là sự khởi đầu mới cho một ASEAN bao gồm 10 nước Đông Nam Á không còn phân rẽ và chia nhóm, nghi kị lẫn nhau. Bản thân ASEAN và các nước phải điều chỉnh cách tiếp cận của mình theo hướng đó.
Câu chuyện tham gia ASEAN là quyết sách chiến lược và căn bản của Việt Nam. Chúng ta tham gia ASEAN để hội nhập với khu vực và cùng các nước khác khép lại chương cũ, mở ra chương mới của đoàn kết khu vực, chung tay xây dựng Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Giai đoạn 2008 - 2010, Việt Nam tham gia vào xây dựng những văn kiện cơ bản để định hướng cho chặng đường mới của ASEAN, đó là Hiến chương ASEAN. Năm 2010 là năm dấu mốc đưa bộ máy mới của ASEAN hoạt động theo Hiến chương đi vào vận hành một cách đầy đủ.
Cuối cùng là câu chuyện Cộng đồng ASEAN hình thành cuối năm 2015, từ đó xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 và hiện nay chúng ta đang điều phối xây dựng Tầm nhìn sau năm 2025.
Ông từng đảm nhiệm vị trí Trưởng SOM Việt Nam lâu nhất và đặc biệt hơn, là người tham gia soạn thảo Hiến chương ASEAN và sau đó là Kế hoạch tổng thể 3 trụ cột Cộng đồng. Ông có thể chia sẻ ấn tượng của mình đối với những sự kiện này?
Về Hiến chương ASEAN, thực tế thì tôi tham gia vào soạn thảo ở giai đoạn giữa, là sự tiếp nối của hai đời Trưởng SOM, mà lúc đó có Nhóm Cấp cao về soạn thảo Hiến chương để hỗ trợ cho các Bộ trưởng Ngoại giao và lãnh đạo cấp cao.
Ấn tượng lớn nhất khi tham gia soạn thảo hiến chương là các nước có nhiều điểm song trùng, có những kỳ vọng lớn, nhưng đồng thời có khác biệt về định hướng trong tương lai của ASEAN. Một trong những điểm song trùng là ai cũng muốn ASEAN vững mạnh lên, làm lợi cho từng quốc gia thành viên, đồng thời phát huy vai trò của mình tốt hơn trong bảo đảm khu vực này hòa bình, ổn định, phát triển.
Chúng ta thấy Hiến chương ASEAN đã khẳng định lại các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản của ASEAN, cái đó không có gì mới. Nhưng điểm đáng chú ý trong xây dựng bộ máy mới của ASEAN là có 2 hội nghị cấp cao trong 1 năm và Năm Chủ tịch ASEAN kéo dài 1 năm chứ không phải hoạt động cấp Bộ trưởng và thỉnh thoảng mới có cấp cao như xưa. Một điểm nữa là ASEAN lần đầu tiên có Ủy ban Các đại diện thường trực của ASEAN tại Jakarta (Indonesia), bên cạnh Ban Thư ký ASEAN. Cuối cùng là quy định ASEAN có tư cách pháp lý để tham gia không chỉ ở khu vực này, mà ở các hoạt động quốc tế khác.
Về xây dựng Cộng đồng ASEAN và các kế hoạch tổng thể, mục tiêu của ASEAN là hướng tới một cộng đồng mà vẫn duy trì được tính thống nhất trong sự đa dạng, làm sao để các bên đi gần đến nhau, xây dựng ý thức và bản sắc ASEAN.
Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, đặt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn hiện nay?
ASEAN có 10 đối tác, nước nào cũng quan trọng. Nhấn mạnh vai trò của các đối tác với ASEAN phải chú ý các vấn đề.
Một là, ASEAN coi trọng gắn kết với các đối tác để phục vụ cho xây dựng Đông Nam Á trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn, đó là hòa bình, ổn định và hợp tác.
Hai là, ASEAN xây dựng cộng đồng và các đối tác tham gia đóng góp giúp ASEAN xây dựng cộng đồng này, chứ không phải kéo ASEAN ra bên ngoài.
Ba là, ASEAN muốn cùng lúc chơi với tất cả các đối tác và họ có đóng góp, cả trên phương diện song phương và bình diện đa chiều, đa phương.
Thưa ông, chúng ta đã đóng góp tiếng nói thế nào để vừa xây dựng, gắn kết ASEAN, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia?
Hai cái này luôn song hành, gắn kết với nhau. Gắn kết thì có lúc song trùng, có lúc khác biệt, quốc gia nào cũng vậy, khi tham gia một tổ chức, hiệp hội. Chúng ta coi ASEAN và môi trường của khu vực là rất quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của Việt Nam, vì vậy, chúng ta thành tâm và tích cực đóng góp để duy trì một ASEAN đoàn kết, chia sẻ và cùng đóng góp vào mục tiêu chung đó.
Thời gian qua, Việt Nam luôn xử lý một cách hợp lý, hài hòa vấn đề lợi ích quốc gia và khu vực. Chúng ta có lợi ích của quốc gia, nhưng chúng ta gắn kết trong đại cuộc chung của khu vực này, ví dụ như hòa bình, ổn định của Việt Nam là gắn với cả khu vực.
Đứng trước khác biệt giữa các quốc gia thành viên trong ASEAN, Việt Nam luôn có cách tiếp cận làm sao tham vấn các nước để đồng thời vẫn tôn trọng ý kiến khác biệt, nhưng có được sự đồng thuận, giải quyết triệt để những khúc mắc.
Cuối cùng, ASEAN muốn củng cố cả mạng lưới, cấu trúc và các diễn đàn để gắn kết các nước lớn. Càng tích cực tham vấn thì ASEAN càng nói lên được tiếng nói của mình trong xây dựng khu vực này dựa trên luật lệ và Việt Nam rất ủng hộ điều này.
Các nước ASEAN đang cùng nhau xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Việt Nam làm thế nào để phát huy tinh thần chủ động tham gia xây dựng, định hình luật chơi trong Tầm nhìn này?
Chúng ta đã phát huy, chủ động luật chơi và dẫn dắt ASEAN ngay từ năm 2019, khi Việt Nam chuẩn bị làm Chủ tịch và trong thời gian qua đã tham vấn các nước. Việc xây dựng Tầm nhìn chính là sáng kiến của Việt Nam.
Thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ, cả về địa chính trị lẫn địa kinh tế, ASEAN cũng đang biến đổi sâu sắc cả về chính trị và kinh tế. Vì vậy, chúng ta mong muốn rà soát, thực hiện tốt Tầm nhìn đến năm 2025, tiếp đó là nhìn lại quá trình hội nhập ASEAN và soi vào những biến động của tình hình quốc tế và khu vực để đánh giá xem ASEAN tiếp tục phải làm gì và đi xa hơn thế nào.
Có người đặt câu hỏi, dường như chủ nghĩa đa phương và các hệ thống tổ chức quốc tế thế giới đứng trước đòi hỏi phải cải cách, vậy ASEAN ứng phó với những thứ đó thế nào. Tôi cho rằng, đúng là phải cải cách, nhưng chủ nghĩa đa phương và duy trì trật tự dựa trên luật lệ vẫn phải là nguyên tắc của ASEAN. Trong đó, một là dựa trên các chuẩn mực; hai là nước nhỏ, nước lớn đều có tiếng nói như nhau; ba là có cơ chế đa phương để nước lớn, nước nhỏ hợp tác, hỗ trợ nhau.
Kinh tế cũng vậy, ASEAN xây dựng cộng đồng kinh tế từ giữa những năm 90 thông qua AFTA, sau đó thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nên sắp tới cần nghĩ cách nâng cao yêu cầu liên kết kinh tế.
Một số câu hỏi cũng đặt ra như, hiện thế giới và khu vực đang điều chỉnh những chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả những chuỗi cung ứng có chất lượng tiêu chuẩn cao hơn. Vậy ASEAN sẽ tính toán như thế nào? Khu vực này không thể đứng ngoài thế giới, nên gắn kết với các trung tâm kinh tế như thế nào?
Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ có tiếng nói tích cực về những vấn đề này. Việt Nam mong muốn ASEAN đoàn kết và phát huy vai trò của mình, hợp tác với tất cả các đối tác kinh tế lớn. Chúng ta có năng lực hội nhập và mong muốn ASEAN phát triển cao hơn về liên kết và hội nhập kinh tế.