Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế

Tháng 6/2019, Việt Nam sẽ tham gia bỏ phiếu để trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vai trò của Việt Nam và ý nghĩa việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc.
Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thưa ông, Việt Nam sẽ là đại diện duy nhất cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc bỏ phiếu trở thành thành viên không thường trực của HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Nếu được bầu, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ vị trí này?

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển". Trở thành thành viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam sẽ tham gia vào cơ chế mạnh nhất về an ninh, hòa bình và ổn định, từ đó có thể đóng góp tốt hơn vào các vấn đề lớn của thế giới.

Ví như trong nhiệm kỳ 2008-2009, lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò là thành viên không thường trực, Việt Nam đã tham gia bỏ phiếu lệnh cấm vận Iran liên quan vấn đề hạt nhân. Đây là một vấn đề rất phức tạp, tác động đến nhiều nước lớn, trong đó có các đối tác truyền thống của Việt Nam. Xem xét các yếu tố chính trị, cũng như các vấn đề kỹ thuật, chúng tôi có trao đổi với các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan năng lượng quốc gia để đánh giá về tiềm năng hạt nhân của Iran.

Điều đó cho thấy, Việt Nam tham gia HĐBA với tinh thần trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế. Như vậy, với vị trí thành viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam có thể bày tỏ quan điểm của mình trước các quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể đưa các vấn đề của đất nước mình để tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.

Mặc dù hiện không có chương trình nghị sự chính thức của HĐBA về vấn đề Biển Đông, nhưng Việt Nam sẽ có cơ hội để thảo luận với Trung Quốc và các quốc gia khác về vấn đề này tại HĐBA. Điều này cũng giúp tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan.

Là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, tiếng nói của Việt Nam cũng sẽ thể hiện quan điểm của ASEAN, giúp Liên hợp quốc có cái nhìn rõ hơn về khu vực, qua đó, Việt Nam cũng góp phần cho hòa bình ổn định trong khu vực.

Thêm vào đó, vị trí thành viên không thường trực sẽ giúp cho nhân sự Việt Nam có thêm kinh nghiệm về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, cũng như rèn luyện kỹ năng trong vận động, điều hành và đàm phán.

Theo ông, điểm nhấn của chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ 2020 - 2021 là gì?

Hòa bình luôn là mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng quốc tế và là nhiệm vụ hàng đầu của Liên hợp quốc và HĐBA.

Tại thời điểm này, hòa bình là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và thế giới, vì thế, chúng ta không chỉ hướng tới hòa bình, mà còn phấn đấu đạt được hòa bình bền vững. 70% chương trình nghị sự nhiệm kỳ 2020 - 2021 có liên quan đến các cuộc xung đột và các vấn đề khu vực.

Mặc dù cơ cấu của chương trình nghị sự không có nhiều thay đổi, nhưng có một số tình hình đã kéo dài nhiều năm: tình hình ở Trung Đông đã nằm trong chương trình của HĐBA hàng chục năm nay, sự nổi dậy của lực lượng nhà nước Hồi giáo tự xưng... Đây là những vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi nỗ lực lớn từ cộng đồng quốc tế.

Còn vai trò của Việt Nam trong chương trình nghị sự thì sao, thưa ông?

Là một quốc gia có thời gian dài trải qua chiến tranh, Việt Nam luôn có khát vọng hòa bình và mong muốn ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới.

Hòa bình cũng là chủ đề mà Việt Nam đưa ra trong quá trình ứng cử là thành viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021. Cho đến nay, quan điểm của Việt Nam trên các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình là phù hợp với cộng đồng quốc tế, pháp luật quốc tế và được các đối tác đánh giá cao.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia vào công việc chung của cộng đồng quốc tế với một vị thế ngày càng nâng cao. Qua nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia có trách nhiệm, có quan điểm tương đồng với các nước đối tác trước các vấn đề nhạy cảm, có năng lực vươn lên để đóng góp vào HĐBA, với sự tham gia đầy đủ tất cả các cuộc họp của Hội đồng.

Đến nay, Việt Nam đã có cơ chế hoạch định chính sách đảm bảo thời gian, ý kiến ở các cấp thẩm quyền khác nhau như Đại sứ, Trưởng phái đoàn ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị...

Chúng ta cũng đã cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Hoạt động gìn giữ hòa bình được thực hiện theo Chương 6, còn giải quyết tranh chấp quốc tế được triển khai theo Chương 7 liên quan đến hoạt động cưỡng chế của HĐBA. Rất nhiều nơi trên thế giới như Trung Đông, Nam Á, châu Phi đã triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình để ngăn ngừa xung đột, giúp giải quyết xung đột, đảm bảo ổn định sau khi xung đột đã được giải quyết. 

Đây là các hoạt động được thực hiện triển khai theo nghị quyết của HĐBA Liên hợp quốc.  Việt Nam tham gia hoạt động này thể hiện trách nhiệm của mình là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, thể hiện thiện chí của một dân tộc mong muốn hòa bình, đóng góp vào hòa bình thế giới, đáp ứng mong mỏi của các quốc gia trên thế giới.

Ông nhận định thế nào về thuận lợi và thách thức của Việt Nam khi triển khai sứ mệnh thành viên không chính thức tại HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021?

Việt Nam đã có kinh nghiệm từ nhiệm kỳ 2008-2009, với sự nỗ lực của mình, Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, việc tổ chức thành công các cuộc họp và sự kiện quốc tế lớn trong thời gian vừa qua cũng góp phần nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong các mối quan hệ đa phương.

Tuy nhiên, cũng có một số thách thức đối với Việt Nam. Hiện nay, tình hình toàn cầu đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng phức tạp, bao gồm cả các vấn đề về an ninh. Trong những năm qua, sự bất đồng và căng thẳng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng như mâu thuẫn Nga - Mỹ, rồi Mỹ - Trung... Điều này đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.

Chúng tôi xác định rằng, sẽ có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi phải đưa ra quyết định trong khoảng thời gian gấp gáp. Trong khi đó, quy mô kinh tế của Việt Nam vẫn còn nhỏ, những người có kinh nghiệm và kỹ năng trong điều hành các sự kiện quốc tế và vận động hành lang cũng còn hạn chế về số lượng.

Phương Hảo
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục