Ngày 20/4, Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Thương mại Việt Nam-Thái Lan đã diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit.
Cùng tham dự kỳ họp, về phía Việt Nam có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đại diện các Bộ Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam có hoạt động hợp tác với Thái Lan.
Về phía Thái Lan có đại diện các Bộ Thương mại, Ngoại giao, Công nghiệp, Nông nghiệp và Hợp tác xã, Tài chính, Giao thông vận tải, Y tế, Năng lượng, Lao động, Ủy ban Đầu tư Thái Lan, Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia, Ngân hàng Trung ương Thái Lan.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, những kết quả tích cực đạt được trong phòng chống dịch COVID-19 và sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch, khẳng định phía Thái Lan coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan coi trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan ghi nhận xu hướng phát triển rõ rệt trong trao đổi thương mại giữa hai nước kể từ năm 2012, đặc biệt, có nhiều chuyển biến tích cực kể từ Kỳ họp lần thứ 3 của Ủy ban Hỗn hợp Thương mại được tổ chức năm 2018 tại Hà Nội, mặc dù trong 2 năm qua gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cảm ơn Chính phủ và các cơ quan phía Việt Nam đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức Thái Lan.
Bên cạnh các đề xuất đã được đưa vào Biên bản kỳ họp, phía Thái Lan nhấn mạnh thêm một số vấn đề như đề nghị Việt Nam phối hợp và tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh theo các hiệp định đã ký trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS) và ASEAN, đề nghị Việt Nam tạo thuận lợi trong quy trình cấp phép nhập khẩu sản phẩm thịt gà và một số trái cây của Thái Lan, tạo thuận lợi trong vấn đề đăng ký dược phẩm, đề nghị mở rộng phạm vi hợp tác lao động trong khuôn khổ Bản ghi nhớ (MoU) đã ký giữa hai Bộ Lao động.
Về phần mình, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Kỳ họp lần thứ 4 được tổ chức vào thời điểm có nhiều ý nghĩa.
Cả hai nước về cơ bản đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới,” thích ứng an toàn với dịch bệnh. Các hoạt động kinh tế, thương mại đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu COVID-19.
Hai nước cũng vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2021, hiện đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược tăng cường.
Trong khi đó, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những thay đổi sâu sắc, quan hệ thương mại giữa các nước lớn tiếp tục căng thẳng, xung đột tại Ukraine cùng với diễn biến bất lợi của thị trường năng lượng thế giới tiếp tục tạo ra nhiều khó khăn cho các ngành chế tạo và hoạt động thương mại.
Ở chiều hướng khác là sự tái cấu trúc của mạng lưới sản xuất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Những nhân tố mới này đang đặt ra cả thời cơ và thách thức, đặt ra yêu cầu và cơ hội để hai nền kinh tế tăng cường sự kết nối, hợp tác bổ trợ cho nhau trên cơ sở cùng có lợi.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng những sáng kiến, giải pháp, hành động cụ thể được hai bên thảo luận và thống nhất tại kỳ họp sẽ tạo ra những động lực mới cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước, đồng thời tăng cường sự phối hợp của hai bên trong ASEAN và các khuôn khổ hợp tác đa phương, khu vực.
Trong không khí hữu nghị, hợp tác, trên tinh thần xây dựng và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã rà soát tình hình hợp tác, đánh giá những kết quả tích cực đạt được cũng như một số hạn chế trong quan hệ thương mại và hợp tác trong các lĩnh vực liên quan kể từ Kỳ họp lần thứ 3 tổ chức năm 2018.
Trên cơ sở đó, hai bên đã bàn bạc, thống nhất một số định hướng, giải pháp, kế hoạch hoạt động cụ thể cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn hậu COVID-19, hướng đến mục tiêu sớm đạt được kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD như Thủ tướng hai nước đã đặt ra, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước.
Trong lĩnh vực thương mại, hai bên ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của kim ngạch song phương. Trong bối cảnh dịch bệnh và nhiều khó khăn, trao đổi thương mại năm 2021 vẫn đạt 18,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020.
Hai bên nhất trí cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, trong khi đó cần phải chú ý hơn tới các giải pháp phát triển thương mại theo hướng cân bằng hơn, cùng có lợi.
Hai bên khuyến khích các đơn vị phụ trách thương mại điện tử tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, trong đó có việc trao đổi kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên thảo luận việc tiếp tục phối hợp để mở rộng tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm trái cây tươi, đẩy nhanh quy trình phân tích nguy cơ dịch hại, nhấn mạnh tầm quan trọng của Bản ghi nhớ hợp tác trong việc áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) ký năm 2004 và trao đổi khả năng ký lại Bản ghi nhớ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit (phải) tặng quà Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: TTXVN). |
Trong lĩnh vực kết nối giao thông, hai bên nhất trí tăng cường sự phối hợp trong việc triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới ở tiểu vùng Mekong (GMS CBTA), phối hợp cùng Lào trong việc thiết lập các tuyến xe khách kết nối các địa phương giữa ba nước, phối hợp cùng Campuchia phát triển tuyến đường vận tải biển từ phía Đông Thái Lan qua phía Nam Campuchia và Việt Nam, khuyến khích hợp tác phát triển dịch vụ vận tải hai chiều giữa hai nước.
Trong lĩnh vực đầu tư, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực cùng quan tâm như các ngành công nghiệp nền tảng (năng lượng, ô tô, vật liệu, điện tử, hoá chất), chế biến thực phẩm, dệt may, phát triển hạ tầng (khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng, hạ tầng logistics).
Hai bên ghi nhận kết quả hợp tác và nhất trí phối hợp với các cơ quan hữu quan của mỗi nước để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như ngân hàng, lao động, sở hữu trí tuệ, đầu tư... để hỗ trợ và tạo thêm các cơ hội cho việc mở rộng các hoạt động thương mại.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế tiểu vùng, khu vực và đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, ACMECS, CLMVT, MLC, WTO...
Để khắc phục những tác động của dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế khu vực, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong việc thực thi và nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do ASEAN+, tập trung vào thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, giải quyết hàng rào phi thuế quan, tăng cường minh bạch... nhằm bảo đảm dòng chảy hàng hoá không bị gián đoạn, củng cố thương mại nội khối ASEAN và chuỗi cung ứng khu vực, đóng góp cho phục hồi kinh tế của khu vực sau đại dịch.
Kết thúc kỳ họp, hai trưởng đoàn đã thông qua Biên bản Kỳ họp, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ Thương mại Thái Lan, Bộ Công Thương Việt Nam và làm việc với các cơ quan hữu quan để triển khai kết quả Kỳ họp, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Thái Lan nhân dịp sang tham dự Kỳ họp lần thứ tư Ủy ban hỗn hợp thương mại Việt Nam-Thái Lan, theo đề nghị của phía Thái Lan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng Kasikorn và Tập đoàn Central Group trong ngày 20/4.