“Chào!” - câu nói đầu tiên Marc Faber dành cho những nhà đầu tư khi vừa gặp mặt tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2014 (VIF 2014) với chủ đề: “Sự trỗi dậy của thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam” diễn ra tại TP. HCM ngày hôm qua (19/6).
Marc Faber - diễn giả chính mở đầu cho diễn đàn, là một nhà đầu tư lão luyện trên thị trường thế giới cũng như Việt Nam, ông cũng là một nhà tư vấn đầu tư xuất sắc khi đa đưa ra khuyến nghị đầu tư vào Việt Nam rất đúng thời điểm vào năm ngoái.
“Tôi luôn có niềm tin lạc quan về nền kinh tế Việt Nam, triển vọng nhất trong 10 năm tới sẽ phát triển vượt bậc với điều kiện Chính phủ giảm bớt sự can thiệp và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cho phép doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn”.
Vế sau trong nhận định của Marc cũng chính là những gì mà Chính phủ Việt Nam đa và đang làm. Đó là những thay đổi chiến lược để thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng như tạo điều kiện kinh doanh cởi mở hơn nữa cho khối dân doanh, quán triệt tinh thần “doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm”.
Quan điểm của Marc được nhiều nhà đầu tư và lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự diễn đàn chia sẻ. Mặc dù đánh giá cao những chủ trương chính sách mà Chính phủ đặt ra nhằm tạo dựng một môi trường đầu tư thông thoáng hơn, nhưng các doanh nghiệp đang tỏ ra sốt ruột khi việc thực hiện các chủ trương chính sách đó trên một vài lĩnh vực như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính… còn chậm. Đối với thị trường chứng khoán, chính sách nới room cho nhà đầu tư nước ngoài liên tục lỡ hẹn, hay chính sách sở hữu đất, nhà ở với người nước ngoài còn quá thận trọng, thiếu cởi mở…
"Nhà đầu tư nước ngoài phản ánh những cải cách đang diễn ra quá chậm, có những vấn đề tưởng rằng phải được giải quyết từ 1 - 2 năm trước, đến giờ vẫn chưa xong", ông Don Lam, Tổng giám đốc Vinacapital nói.
Tất cả những yếu kém trong môi trường kinh doanh cũng là một nhân tố khiến tài sản ở Việt Nam, nhất là chứng khoán bị định giá thấp hơn so với các nước trong khu vực. Khi tài sản bị định giá thấp tạo ra cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư. Nhưng để tài sản đó tăng giá lại phụ thuộc vào tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh nhanh hay chậm. Như vậy, việc nhà đầu tư bỏ vốn vào thị
trường Việt Nam lúc này cũng là đặt niềm tin vào những cam kết của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư cởi mở và thuận lợi hơn.
Nền kinh tế Việt Nam đang có cơ hội để trỗi dậy, nhưng không có sự phát triển nào hoàn toàn tự nhiên, sự trỗi dậy đó đang cần những chất xúc tác mạnh mẽ để trở thành một sóng tăng trưởng thật sự mạnh mẽ, khiến nhà đầu tư hưng phấn hơn, thay vì những cảm xúc chờ đợi và hy vọng hiện nay.