Việt Nam sẽ phát huy vai trò kép trong năm 2020

Hôm nay (4/11), Việt Nam nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thái Lan. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đầu tư đã phỏng vấn ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam về vai trò và sự gắn kết của Việt Nam với các nước thành viên nhằm thực hiện thành công những ưu tiên của ASEAN trên 3 trụ cột kinh tế, chính trị và văn hóa.
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam. Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam.

Thưa ông, ngày 1/1/2020, Việt Nam mới chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, nhưng tại sao việc chuyển giao vai trò này lại được tiến hành từ đầu tháng 11/2019?

Đây là tập quán của ASEAN. Việc chuyển giao thường được diễn ra trong cuộc họp cấp cao chính thức cuối cùng trong năm. Nhưng từ nay đến hết năm, nếu có vấn đề gì xảy ra, nước chủ tịch đương nhiệm tiếp tục đảm nhiệm vai trò của mình. Cụ thể, Thái Lan tiếp tục phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước đối tác để xử lý các vấn đề phát sinh trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 35.

Thực ra, khi tiếp nhận vai trò này, Việt Nam cũng chính thức triển khai nhiệm vụ Chủ tịch của mình, vì ngay tháng 1/2020, sẽ có một hội nghị bộ trưởng ASEAN và sau đó là hàng loạt cuộc họp đã được lên kế hoạch, cũng như các cuộc họp bất thường.

Việt Nam đã đưa ra chủ đề của ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng” cũng như các ưu tiên tương ứng. Ông đánh giá như thế nào về chủ đề và những ưu tiên này?

Chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” rất sát với yêu cầu và trọng tâm ưu tiên của ASEAN trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, đó là sự phát huy sức mạnh nội lực của ASEAN thông qua sự đoàn kết, gắn kết với nhau, trong đó có gắn kết về kinh tế, về xây dựng cộng đồng và có sự gắn kết của mỗi quốc gia với cộng đồng trong sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Chính sức mạnh nội tại này và sức mạnh ASEAN sẽ tạo ra cho ASEAN một động lực trong việc phát huy vai trò khu vực.

Còn thích ứng là thích ứng với các diễn biến, phát triển của tình hình quốc tế và khu vực, bao gồm diễn biến rất nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước lớn và các thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Chính điều đó cũng đòi hỏi ASEAN tương tác và thích ứng.

Trong sự thích ứng này, điều quan trọng nhất là ASEAN phải tìm được giải pháp, phương thức hợp tác không chỉ trong nội khối, mà với tất cả các quốc gia khác, đặc biệt là các đối tác để có thể tìm ra được biện pháp thích hợp nhất.

Việt Nam cũng đưa ra 5 ưu tiên, trải dài trên toàn bộ nhiệm vụ trọng tâm của ASEAN, từ bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh cho phát triển tại khu vực này. Đây là ưu tiên hàng đầu không chỉ đối với ASEAN, mà với tất cả các quốc gia, khu vực trên thế giới. Không có hòa bình thì không có phát triển.

Thứ hai là xây dựng cộng đồng và gắn kết ASEAN, phát triển kinh tế và sức mạnh nội khối.

Thứ ba là ứng phó với những thách thức đang xảy ra, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Cuối cùng là tăng cường hơn nữa bộ máy hoạt động hiệu quả của ASEAN. Điều đó tạo ra mặt bằng của ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhưng trong mỗi lĩnh vực ưu tiên trên, chúng ta phải tiếp tục có những ưu tiên của ưu tiên, với những đòi hỏi cấp bách, khi có những thách thức về hòa bình, ổn định, bao gồm dịch bệnh và biến đổi khí hậu hay vấn đề Biển Đông, những nguy cơ có thể gây phương hại đến hòa bình, thì ASEAN cần phải bàn đến ngay.

Từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn phát triển cao hơn, đòi hỏi ASEAN mà Việt Nam là Chủ tịch phải có định hướng đưa cả 10 nước ASEAN cùng đồng hành tiến tới mục đích cao hơn trong liên kết này. Do đó, trong mỗi chặng đường, mỗi thời điểm, chúng ta phải tính đến ưu tiên của ưu tiên.

Có thể nói, 5 ưu tiên trên nằm trên 3 trụ cột, đồng thời bổ sung thêm yếu tố tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, bao gồm cộng đồng chính trị an ninh, kinh tế, liên kết kinh tế, cộng đồng văn hóa xã hội hướng người dân đến trung tâm, tăng cường bản sắc của ASEAN.

Trong năm 2020, Việt Nam cũng sẽ đảm  nhận vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với vai trò kép như thế, Việt Nam có thể tận dụng sự ủng hộ của khu vực và cộng đồng quốc tế như thế nào?

Việc cùng lúc đảm nhận 2 vai trò như trên thể hiện vị thế, uy tín, cũng như khả năng, năng lực của Việt Nam có thể đảm nhận những chức danh này. Đó là điều rất đáng mừng cho chúng ta. Với 2 vị trí mới của Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới bày tỏ mong muốn và trông đợi Việt Nam sẽ phát huy sự đóng góp và trách nhiệm của mình.

Cá nhân tôi cho rằng, khi chúng ta thực hiện 2 vai trò, phải thực hiện tốt, hiệu quả mỗi vai trò. Với ASEAN, làm sao phát huy được ASEAN xây dựng cộng đồng, ASEAN vai trò trung tâm và ASEAN chủ động phối hợp với các đối tác thích ứng và xử lý các vấn đề.

Còn đối với vai trò là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do trách nhiệm của Liên hợp quốc trải dài ở các khu vực khác nhau trên thế giới, nên chúng ta không chỉ đóng góp với các nước châu Á, mà còn đóng góp với cả các nước châu Phi, Trung Đông và Mỹ La Tinh.

Với vai trò kép trong năm 2020, Việt Nam có thể chia sẻ những ý kiến, những quan tâm của khu vực Đông Nam Á với diễn đàn rộng lớn hơn là Liên hợp quốc. Chúng ta cũng có cơ hội để thúc đẩy hợp tác giữa tổ chức toàn cầu và tổ chức khu vực trên những vấn đề hai bên cùng quan tâm, mà mục tiêu lớn nhất là hòa bình, phát triển bền vững hướng tới năm 2030.

Còn vấn đề Biển Đông thì sao, thưa ông?

Với vấn đề Biển Đông, đây là vấn đề sát sườn, liên quan chặt chẽ đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực này. Do đó, tất cả các nước ASEAN, các nước trong và ngoài khu vực đều phải có trách nhiệm đối với mục tiêu này.

Việc xử lý vấn đề Biển Đông sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một là chúng ta phải thúc đẩy nguyên tắc bảo đảm hòa bình và nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển. Hai là, vấn đề này phải được đưa vào chương trình nghị sự ASEAN, thúc đẩy tham vấn, trao đổi để làm sao tốt nhất.

Nhấn mạnh ý nghĩa hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông cần phải được chia sẻ ở các diễn đàn khác nhau, trong đó có cả các diễn đàn của Liên hợp quốc. Về cơ bản, mũ chung của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải là phải dựa trên cái căn bản nhất là luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.

Phương Hảo
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục