Việt Nam sẽ có hơn 90 triệu thuê bao 5G

0:00 / 0:00
0:00
Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA) vừa phát hành báo cáo “Accelerating 5G in Vietnam” (Thúc đẩy 5G tại Việt Nam) với nhiều khuyến nghị đáng chú ý.
Các nhà mạng Việt Nam đang nỗ lực thương mại hóa 5G diện rộng vào năm 2025. Các nhà mạng Việt Nam đang nỗ lực thương mại hóa 5G diện rộng vào năm 2025.

Báo cáo này cho biết, đến quý II/2024, đã có 285 nhà khai thác tại 114 quốc gia trên thế giới triển khai 5G, trong khi các dịch vụ truy cập không dây cố định (FWA) được cung cấp bởi 136 nhà khai thác tại 66 quốc gia. Đáng chú ý, số lượng kết nối 5G toàn cầu đã vượt 1,6 tỷ trong năm 2023 và dự kiến sẽ đạt trên 2 tỷ trong năm 2024 với tốc độ tăng trưởng thuê bao ấn tượng 30%.

GSMA nhận định, 5G sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu hơn 930 tỷ USD vào năm 2030, trong đó tập trung vào 1 số nhóm ngành chính như sản xuất công nghiệp (36%), hành chính công (15%), dịch vụ (10%), công nghệ thông tin và truyền thông (9%), tài chính (8%)...

GSMA dự đoán đến năm 2030, số lượng kết nối 5G của Việt Nam ​​sẽ vượt quá 90 triệu thuê bao, mạng 5G phủ sóng hơn 99% dân số.

Theo đánh giá của của GSMA, Việt Nam là một trong những quốc gia năng động và phát triển nhanh nhất châu Á với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, Báo cáo đã đánh giá về quá trình lập kế hoạch và triển khai phổ tần 5G tại Việt Nam. Theo đó, cuộc đấu giá thành công phổ tần 2,6 GHz và 3,5 GHz dành cho 5G trong năm 2024 đã mở đường cho việc triển khai thương mại hệ thống viễn thông di động thế hệ thứ 5 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 660 MHz phổ tần trung được phân bổ cho dịch vụ di động, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Do đó, việc mở rộng phổ tần tầm trung và đầu tư vào hạ tầng 5G là chiến lược cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hiện thực hóa tiềm năng của kỷ nguyên 5G.

GSMA đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm tối ưu hóa tài nguyên phổ tần, từ đó tận dụng tiềm năng phát triển của 5G, bao gồm cấp phổ tần bổ sung cho mạng 5G với giá hợp lý, có thể chia nhỏ các lô phổ tần (ví dụ, 10x10 MHz thay vì 1x100 MHz) để tạo cơ hội cho nhiều nhà mạng tham gia đấu giá. Ngoài ra, có thể cho phép sử dụng các lô phổ tần ảo và tái sắp xếp phổ tần sau đấu giá để tạo ra các khối liền kề lớn hơn.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu phát triển của mạng 5G, kế hoạch dài hạn cho phổ tần cần được đưa ra, xem xét khai thác các băng tần mới, phối hợp với các nước trong khu vực để đảm bảo hệ thống mạng sử dụng phổ tần đồng bộ, tránh nhiễu sóng và tối ưu hóa kết nối.

Việc thực hiện các biện pháp trên sẽ giúp giảm chi phí phổ tần, khuyến khích đầu tư, và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và mạng 5G chất lượng cao tại Việt Nam.

Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), để vận hành hiệu quả, mỗi nhà mạng cần ít nhất 100 MHz phổ tần trung bình, và trung bình mỗi quốc gia sẽ cần 2 GHz (2.000 MHz) phổ tần trung vào năm 2030. Dự báo từ GSMA cho thấy các băng tần trung sẽ đóng góp hơn 610 tỷ USD vào GDP toàn cầu, chiếm 65% giá trị kinh tế - xã hội của 5G, và mang lại 35 tỷ USD (0,64% GDP) cho Đông Nam Á.

Theo báo cáo di động vừa được Ericsson vừa công bố, số lượng đăng ký 5G toàn cầu sẽ đạt gần 2,3 tỷ vào cuối năm 2024, chiếm 25% tổng số đăng ký di động. Đồng thời các triển khai 6G đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2030.

Dự báo lưu lượng dữ liệu di động toàn cầu sẽ tăng gần 200% từ năm 2024 đến cuối năm 2030... số lượng thuê bao 5G tại khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt khoảng 680 triệu vào cuối năm 2030.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục