Việt Nam nên tính kỹ các van an toàn cho TTCK

(ĐTCK) Cơn địa chấn trên TTCK Trung Quốc được giới phân tích quốc tế nhận định có thể diễn biến xấu hơn. Tuy mức độ ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế và TTCK Việt Nam chưa nhiều, song sự việc này đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm cho TTCK Việt Nam.
Việt Nam nên tính kỹ các van an toàn cho TTCK

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc quản lý và vận hành thị trường một cách an toàn, lành mạnh và phát triển thật bền vững. Đó là những quan điểm được các chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm “TTCK Trung Quốc” do báo Đầu tư tổ chức sáng 29/7.

“Van” kinh tế vĩ mô

TS. Nguyễn Xuân Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu  Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, cuộc khủng hoảng của TTCK Trung Quốc đến từ 2 nguyên nhân: Thứ nhất là từ nền kinh tế. Kinh tế Trung Quốc sau thời gian tăng trưởng mạnh đã chậm lại, đạt xấp xỉ 7% năm 2014. Trong khi kinh tế tăng trưởng chậm, TTCK lại bùng nổ với tốc độ cao hơn gấp đôi. 

Thứ hai, là tỷ lệ sử dụng đòn bẩy (margin) của TTCK Trung Quốc rất cao. Theo thống kê, TTCK Trung Quốc có đến 90 triệu tài khoản, và có đến 90% NĐT trên TTCK Trung Quốc là NĐT nhỏ lẻ. Chỉ riêng tháng 5/2015, đã có trên 14 triệu tài khoản giao dịch được lập mới. Tính đến cuối tháng 5/2015, tiền trong các tổ chức tài chính tiền tệ, CTCK, các công ty quỹ, bảo hiểm lên đến gần 13.000 tỷ NDT, trong đó có đến 90% là đến từ ngân hàng.

Vốn của ngân hàng đổ vào TTCK duy trì ở mức 4.000 tỷ NDT. Trong giai đoạn kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, Trung Quốc đã triển khai gói kích cầu trị giá 4.000 tỷ NDT, mục tiêu rất rộng nhưng thực tế dòng tiền này chủ yếu chảy vào bất động sản, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu sụt giảm, dòng tiền này đã chảy vào chứng khoán.

Việt Nam nên tính kỹ các van an toàn cho TTCK ảnh 1

 Nhiều chuyên gia đã tham dự cuộc tọa đàm về TTCK Trung Quốc do Báo Đầu tư tổ chức sáng 29/7

Đi lên từ dòng tiền ngắn hạn và các mục tiêu mang tính đầu cơ cao, nên giá chứng khoán Trung Quốc đã tăng kỷ lục và vượt qua những mức cảnh báo nguy hiểm nhất. Sự sụt giảm là điều đã được cảnh báo trước và tình trạng này sẽ tiếp diễn. Tổng hợp từ nhận định của các tổ chức quốc tế dự báo, chỉ số Shanghai trên TTCK Thượng Hải (áp dụng với các DN lớn của Trung Quốc) có thể tiếp tục giảm trong vòng 3 tuần tới.

Như vậy, có thể thấy khá rõ rằng, nếu sự phát triển của nền kinh tế và TTCK không tỷ lệ thuận (mặc dù TTCK có thể đi trước các diễn biến của nền kinh tế), rất khó để duy trì một thị trường tăng trưởng bền vững.

“Van” sản phẩm mới

Từ những gì đã và đang xảy ra trên TTCK Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, sẽ có nhiều bài học cho TTCK Việt Nam, đặc biệt liên quan đến những chính sách và sản phẩm áp dụng trực tiếp trên thị trường. Theo TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, trên TTCK Trung Quốc đã cho phép áp dụng chứng khoán phái sinh, margin với tỷ lệ lớn, bán khống. Đây thực ra là các công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư, nhưng khi thị trường lao dốc, giá chứng khoán sẽ giảm nhanh hơn. Do đó, Việt Nam cần có cái nhìn nhận thận trọng về các sản phẩm này, cũng như tính toán để áp dụng các sản phẩm mới một cách an toàn nhất.

Chia sẻ quan điểm về việc thận trọng, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, phát triển thị trường tài chính là quan trọng, song phải đề cao tính thị trường. Cái  khó là cần quản lý một cách sáng tạo và đề cao sự cẩn trọng, giảm thiểu rủi ro không bao giờ là thừa. Với những chính sách mới, ông Thành cho rằng, đôi khi cơ quan quản lý phải vượt qua áp lực của NĐT, thị trường, báo giới,  để đưa ra các quy định và lộ trình thực hiện phù hợp.

Đứng ở góc độ thị trường, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt cho rằng, bài học mà TTCK Việt Nam cần rút kinh nghiệm sâu sắc đó là cho vay đầu tư chứng khoán. Thực tế giai đoạn 2009, TTCK Việt Nam cũng đã có những khủng hoảng khi các CTCK tràn lan cho vay hợp tác đầu tư và chưa có các quy định pháp lý về sản phẩm margin. Hiện nay, các CTCK phải báo cáo số dư cho vay với UBCK định kỳ 2 lần tháng. Theo ông Hòa, với những tiến bộ về công nghệ như hiện tại, có thể tăng việc báo cáo này lên để cơ quan quản lý nắm được số liệu một cách sát thực và có chính sách, hoặc cảnh báo can thiệp khi cần thiết. 

“Van” vốn FII

Một bài học khác rất đáng chú ý là quản trị dòng vốn đầu tư gián tiếp. TTCK Trung Quốc tăng giá quá cao, nhà đầu tư nước ngoài bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận và quay vòng vốn với mục đích đầu cơ. Điều này, khiến khủng hoảng càng trầm trọng hơn, kéo theo việc nhà đầu tư nội cùng bán tháo.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc khối phân tích và tư vấn CTCK SSI, đưa ra một giả thuyết đáng lưu tâm. Theo báo cáo phân tích mới nhất của các tổ chức quốc tế mà ông Linh thu thập được, Chính phủ Trung Quốc đã can thiệp vào thị trường một cách gián tiếp thông qua bơm vốn cho các quỹ ETF của Mỹ và các quỹ này quay ngược trở lại TTCK Trung Quốc mua cổ phiếu hạng A. Đây chính là một lý do khiến chứng khoán Trung Quốc tăng quá nóng. Nay khi nhà đầu tư nước ngoài bán ra, rút vốn, việc bơm vốn của Bắc Kinh không thể tiếp tục kéo dài, thị trường đã chao đảo. Việc sử dụng các giải pháp can thiệp vào thị trường một cách phi thị trường, sớm hay muộn cũng sẽ phải trả giá.

Câu chuyện về những bất ổn trên TTCK Trung Quốc hiện nay sẽ không bao giờ cũ đối với TTCK Việt Nam, mặc dù chúng ta cũng đã trải qua nhiều cơn chao đảo tương tự. Quy mô TTCK Việt Nam còn rất nhỏ, song với một nền kinh tế đang phát triển và ngày càng hội nhập sâu với thế giới, tiềm năng phát triển của thị trường là rất rõ ràng, chỉ có điều “đi chậm, bước chắc”có lẽ là giải pháp khôn ngoan, bởi “dục tốc bất đạt”.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục