Việt Nam - một địa điểm an toàn, tiến bộ, văn minh

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai vừa diễn ra tại Hà Nội thu hút sự quan tâm, chú ý của cả thế giới. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài của TS. Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Kamm Investment, Inc. viết riêng cho Báo Đầu tư.
Đoàn xe của phái đoàn Mỹ trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên. Ảnh: Đức Thanh Đoàn xe của phái đoàn Mỹ trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên. Ảnh: Đức Thanh

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội lần này có rất nhiều ý nghĩa.

Trước hết, dù còn một số khó khăn, nhưng cuộc đối thoại này cho thấy hai bên Mỹ - Triều đều mong muốn tìm được một thỏa thuận hòa bình, hướng đến giải quyết những căng thẳng liên quan đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thứ hai, việc lựa chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức Hội nghị mang tính chất biểu tượng rất cao: Việt Nam đã tiến nhanh cả về kinh tế lẫn xã hội. Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi Việt Nam “phát triển thịnh vượng” và cho rằng, Việt Nam là hình mẫu tốt cho Triều Tiên tham khảo sau khi đất nước này phi hạt nhân hóa. Có thể khẳng định, Việt Nam là một phép màu kinh tế và sự phát triển kinh tế thị trường ở đây diễn ra nhanh và vững chắc.

Trước khi hội đàm với ông Kim Jong-un tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để cùng công bố những thương vụ lớn giữa Mỹ và Việt Nam.

Trong vòng 20 năm qua, Mỹ và Việt Nam luôn là đối tác kinh tế lớn của nhau và những thương vụ này càng khẳng định sự khăng khít trong mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Điều này cũng ngầm nhắc nhở Triều Tiên rằng, quốc gia này có thể tham gia các thương vụ tương tự trong tương lai.

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên cũng là cơ hội truyền thông rất tốt về Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Thế giới sẽ hiểu rõ hơn về “phép màu kinh tế” tại Việt Nam và tiềm năng thu hút du lịch, đầu tư của Việt Nam. Hình ảnh quốc gia sẽ tích cực hơn, vì sự kiện này cho thấy, Việt Nam được tin tưởng lựa chọn làm chủ nhà cho một hội nghị hòa bình quan trọng của thế giới và khẳng định thành quả phát triển kinh tế của Việt Nam trong 20 năm qua.

Để thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, một quốc gia phải chứng minh được mình là địa điểm có tiềm năng phát triển và phù hợp để đầu tư. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã xây dựng tốt hình ảnh một quốc gia cởi mở với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các số liệu cho thấy, Việt Nam nhận được dòng vốn FDI thuộc hàng cao nhất thế giới trong những năm gần đây. Việt Nam có đội ngũ nhân công lành nghề, được đào tạo tốt, chi phí lao động hợp lý, luật pháp thân thiện với nhà đầu tư, tình hình chính trị ổn định - những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định, bên cạnh thông tin tốt từ việc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên.

Việt Nam đang thực hiện chính sách đối ngoại rất có trách nhiệm, là đất nước cởi mở cho hợp tác với tất cả các bên

- Ông Sergei Lavrov, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga

Sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, hình ảnh Việt Nam được nâng lên, đặc biệt là trong mắt các lãnh đạo trên thế giới. Việt Nam trở thành một ví dụ tiêu biểu về phát triển kinh tế, là một quốc gia an toàn, tiến bộ, văn minh - những điều mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá cao.

Chúng ta có thể nhìn lại những gì đã diễn ra trong quá khứ. Ngày 13/7/2000, Việt Nam và Mỹ đã ký kết hiệp định thương mại song phương đầu tiên. Tháng 11/2000,  Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton đến thăm Việt Nam. Các sự kiện này đã khiến Việt Nam nhận được sự quan tâm của toàn thế giới.

Đây là lần đầu tiên, một vị Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh, là minh chứng quan trọng cho thấy, Việt Nam đang phát triển đúng hướng. Các nhà đầu tư thế giới đã lập tức nhận ra điều này và bắt đầu tham gia xây dựng Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh trong những năm gần đây và du lịch phát triển mạnh.

Lần này, tầm quan trọng của việc được chọn đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên không phải nằm ở việc Việt Nam đang cố gắng thành công nữa, mà là những thành công của Việt Nam sẽ được toàn thế giới công nhận. Thành công này sẽ tiếp tục trong tương lai, khi thế giới thấy được tầm quan trọng của việc một quốc gia mở cửa nền kinh tế.

Việt Nam đang tiến gần hơn đến vị trí thị trường mới nổi và những hội nghị tương tự sẽ là bảo chứng rất tốt cho Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tất cả các quốc gia lớn nhỏ trên thế giới sẽ biết đến Việt Nam và hiểu rõ hơn về sự phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội thu hút đầu tư. Tất cả những điều này đều tích cực cho Việt Nam, giúp nền kinh tế phát triển vững mạnh, năng động và đa dạng hơn.

Tất nhiên, việc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên cũng cho thấy, Việt Nam là điểm đến du lịch thân thiện, thú vị và an toàn. Dù du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, nhưng phát triển du lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với khu vực duyên hải lẫn các thành phố lớn, kéo theo tăng trưởng GDP cả nước.

Tóm lại, tầm ảnh hưởng của việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên không thể bị xem nhẹ. Những thành công về mặt truyền thông và xây dựng hình ảnh quốc tế sẽ giúp Việt Nam được cả thế giới công nhận là một địa điểm an toàn, thân thiện và tiến bộ, qua đó thu hút đầu tư nước ngoài và kích thích phát triển hoạt động du lịch.

TS. Christian Kamm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục