Việt Nam lọt Top 7 quốc gia xuất khẩu vào Mỹ: Cơ và… nguy

(ĐTCK) Hãng tin Bloomberg vừa cho biết, Việt Nam đã lọt Top 7 quốc gia xuất khẩu vào Mỹ. Doanh nghiệp vừa mừng vừa lo khi nhận được thông tin này.
Ảnh shutterstock. Ảnh shutterstock.

Tăng tốc nhưng vẫn lo ngại

Cụ thể, theo thông tin từ Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ, Việt Nam với mức tăng kim ngạch 34%, tương đương 10,9 tỷ USD đã nhảy từ vị trí thứ 12 sang thứ 7 trong danh sách các nhà cung cấp hàng đầu cho Mỹ.

Còn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, với thị trường Mỹ, hiện chưa có số liệu thống kê của tháng 9 nhưng 8 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 39,2 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 8,4 tỷ USD.

Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2019 gồm hàng dệt may đạt 9,95 tỷ USD (tăng 9,3% so với cùng kỳ 2018); giày dép đạt 4,34 tỷ USD, (tăng 14,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch 3,45 tỷ USD (tăng 72,5%): điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,1 tỷ USD (tăng 74,2%); gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 3,18 tỷ USD (tăng 33%); phương tiện vận tải, phụ tùng đạt 1,1 tỷ USD; sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép đạt 720 triệu USD, giảm 13,9%...

Việc Việt Nam tăng trưởng mạnh về xuất khẩu vào Mỹ cũng dễ khiến nước này “để ý”.   

Câu chuyện Việt Nam lọt Top 7 các quốc gia cung cấp hàng hóa vào Mỹ nhiều nhất khiến nhiều doanh nghiệp vừa mừng vừa lo. Mừng bởi hàng hóa Việt Nam đã ngày càng đạt chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường Mỹ.

Nhưng có những nỗi lo đan xen khi trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, việc Việt Nam tăng trưởng mạnh về xuất khẩu vào Mỹ cũng dễ khiến nước này “để ý”.

Như câu chuyện mới diễn ra gần đây đối với sản phẩm thép. Đầu tháng 7/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố ba phán quyết sơ bộ về sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt Nam.

Trong đó, DOC xác định một số sản phẩm thép có nguồn gốc Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) được chuyển tới Việt Nam để chế biến sơ bộ, sau đó xuất sang Mỹ. DOC áp thuế nhập khẩu với mặt hàng này là 456,23%. Đây là bài học mà mỗi doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cần thuộc nằm lòng.

Nói không với gian lận thương mại

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia về ngành thép chia sẻ, thực tế chính doanh nghiệp Việt sẽ làm mất đi cơ hội của mình nếu không làm ăn nghiêm chỉnh.

Doanh nghiệp thép cần nói không với gian lận thương mại, không “tiếp tay” để thép giá rẻ Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, đội lốt xuất xứ Việt Nam và từ đó xuất đi các nơi khác.

Nếu nhìn vào bảng thống kê hàng hóa chủ lực xuất khẩu vào Mỹ trong 8 tháng qua, có thể thấy dệt may đang đứng ở vị trí số 1 với tổng kim ngạch 9,95 tỷ USD. Doanh nghiệp dệt may chuẩn bị thế nào để tránh lặp lại “vết xe đổ” như câu chuyện ngành thép?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Nói không lo ngại là không đúng bởi chính sách của Mỹ có thể thay đổi đột ngột, khó lường, nhưng mọi sự thay đổi đều phải dựa vào tình hình thực tế.

Đối với những mặt hàng có sự tăng trưởng đột biến về sản lượng xuất khẩu vào Mỹ chắc chắn sẽ bị chú ý. Chúng tôi luôn cảnh báo doanh nghiệp không để bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, tuân thủ nghiêm chỉnh quy tắc xuất xứ. Đồng thời, cần phải theo dõi sát sao các thay đổi chính sách nếu có để có những quyết định hợp lý”.

Hiện nay, trong tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may đi các nước của Việt Nam, riêng xuất vào thị trường Mỹ chiếm 40%.

Xuất khẩu dệt may vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá ổn định từ 7 - 10%/năm. Mặc dù Mỹ rút khỏi Hiệp định CPTPP nhưng nhu cầu của thị trường này vẫn lớn và nhiều doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được với nguồn khách hàng ổn định.

Còn đối với gỗ, năm 2018, xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, tăng 17% so với năm 2017. Năm 2019, sản lượng và kim ngạch xuất gỗ sang Mỹ tăng trưởng tốt hơn, một phần bởi doanh nghiệp Việt đã tận dụng lấp khoảng trống xuất khẩu gỗ vào Mỹ của Trung Quốc (do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung).

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đi Mỹ, ông Bùi Như Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt rất sợ câu chuyện gian lận thương mại.

Thực tế thị trường có hiện tượng một số doanh nghiệp mua hàng Trung Quốc về thay đổi nhãn mác, bao bì và đóng gói xuất đi các thị trường khác (đặc biệt ở ngành ép ván).

Ông Việt cho biết, doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu, ai cũng lo vấn đề này. Doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính dễ bị thua cuộc trong cuộc cạnh tranh không cân sức với gian lận thương mại và dễ bị ảnh hưởng khi xuất khẩu.

Tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ, nếu đó là tăng dần đều và không có đột biến, hàng Việt Nam sẽ không bị đưa vào tầm ngắm. Còn tăng đột biến bằng những thủ thuật, gian lận thương mại sẽ sớm bị phát hiện, doanh nghiệp Việt sẽ tự đánh mất cơ hội của mình ở thị trường này.  

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục