Việt Nam là thị trường trọng điểm tiếp theo của các nhà sản xuất chip bán dẫn Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) vào cuối tháng 5 vừa qua nhận định, Việt Nam đang nổi lên như một thị trường trọng điểm cho các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc.
Việt Nam là thị trường trọng điểm tiếp theo của các nhà sản xuất chip bán dẫn Hàn Quốc

Theo tờ Koreatimes, BOK nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho Samsung Electronics và SK Hynix – hai ông lớn của nước này trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn – trong bối cảnh cạnh tranh và căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Báo cáo cho biết: “Việt Nam đang nổi lên như một trong những thị trường tiềm năng với nhu cầu tiêu thụ lớn với sản phẩm chất bán dẫn của các nhà sản xuất Hàn Quốc. Động lực tăng trưởng cho nhu cầu này bắt đầu từ việc Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế vững chắc của mình, vươn lên trở thành cơ sở sản xuất quốc tế cho các thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) có khả năng thay thế Trung Quốc trong tương lai.

Đặc biệt, Việt Nam hiện là nơi đặt cơ sở sản xuất của các hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn. Chất bán dẫn của các doanh nghiệp Hàn Quốc là một trong những thành phần không thể thiếu trong khâu sản xuất, giúp Việt Nam hoàn thành các thành phẩm”.

BOK cũng đánh giá lạc quan về tiềm năng của thị trường Việt Nam, lực lượng lao động dồi dào với mức lương thấp, khả năng tiếp cận, thuận lợi về vị trí địa lý… với thị trường Trung Quốc. Những yếu tố này đang thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu, bao gồm cả những doanh nghiệp từ Hàn Quốc, xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Chẳng hạn, Samsung Electronics đã chuyển cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính sang Việt Nam từ vài năm trước. Apple cũng đã chuyển các bộ phận của dây chuyền sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái, trong khi nhiều nguồn tin cũng cho biết Google cũng đang xem xét việc chuyển địa điểm này.

Theo BOK, kinh tế Việt Nam mặc dù phải đối mặt với nhiều thử thách trong thời gian đóng cửa do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhưng vẫn phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP hơn 8% vào năm 2022. Ngoài ra, Việt Nam đã tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất cho Hàn Quốc vào năm ngoái.

Tính đến năm 2022, Trung Quốc chiếm 55% nhu cầu xuất khẩu chất bán dẫn của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tiếp theo là Việt Nam (12%), Đài Loan (Trung Quốc) (9%) và Mỹ (7%). Tuy nhiên, Mỹ hiện đang cho thấy mức giảm lớn nhất là 68,6% về nhu cầu xuất khẩu trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, thị trường chất bán dẫn của Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi Trung Quốc và Mỹ, do phụ thuộc nhiều vào các thị trường này.

BOK dự đoán, sự gia tăng trong nhu cầu tiêu thụ điện thoại thông minh của Trung Quốc và sự phục hồi trong các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu (data center) của Mỹ sẽ quyết định thị phần của các nhà sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc.

Báo cáo cho biết: “Cần giảm bớt sự biến động của thị trường chất bán dẫn Hàn Quốc bằng cách tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực chip bán dẫn không có đặc tính nhớ (non-memory chip) và đa dạng hóa nhiều nguồn tiêu thụ khác nhau. Ngoài ra, ngành sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc cũng cần cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng các chiến lược phù hợp để giảm thiếu tác động tiêu cực do xung đột giữa Mỹ - Trung Quốc, hai quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu bán dẫn trong nước.”



Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục