Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ nhất của Campuchia trong ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
Thương mại 2 chiều Việt Nam - Campuchia 11 tháng qua đạt gần 8 tỷ USD, với nhiều chuyển biến tích cực, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Đổi mới Công nghệ Campuchia Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Đổi mới Công nghệ Campuchia

Ngày 12/12/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Bà Cham Nimul, Bộ trưởng Bộ Thương mại và ông Hem Vandy, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Đổi mới Công nghệ Campuchia nhân dịp chuyến thăm chính Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Manet.

Hợp tác thương mại, công nghiệp song phương Việt Nam – Campuchia đã có những bước phát triển đáng kể, theo Bộ trưởng Diên.

Cụ thể, sau khi đạt và vượt mục tiêu kim ngạch thương mại 5 tỷ USD vào năm 2019, sang năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia tiếp tục bứt phá mạnh, đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020.

Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia đạt gần 11 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 5,75 tỷ USD, tăng 19%; Nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 4,82 tỷ USD, tăng 2,48% so với năm 2021.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động tiêu cực, 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại đã đạt gần 8 tỷ USD, mặc dù có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022, thương mại hai bên có nhiều điểm tích cực, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu không chênh lệch nhiều, Campuchia là nguồn cung của nhiều loại nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp trong nước của Việt Nam, Việt Nam cũng phát triển số lượng đáng ghi nhận các dự án tại Campuchia nhằm cung cấp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong nước, đặc biệt là cao su.

Ngoài ra, Campuchia còn là thị trường tiêu thụ mạnh các sản phẩm sắt thép, vật liệu xây dựng, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng của Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá những khó khăn hiện tại, hai Bên đã thống nhất một số biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, công nghiệp giữa hai nước, hướng tới mục tiêu kim ngạch cao hơn trong thời gian tới thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ký kết mới các khuôn khổ pháp lý về thương mại; phổ biến thông tin về các ưu đãi thương mại song phương.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới; tăng cường trao đổi kinh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại Campuchia.

Ba Bộ trưởng cũng nhất trí xem xét cơ chế họp thường niên 3 Bộ để thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Campuchia trong lĩnh vực kinh tế thương mại, công nghiệp.

Các Bộ trưởng thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp với chặt chẽ để khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong quan hệ thương mại, công nghiệp giữa hai nước.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục