Việt Nam được đánh giá là nước khai thác tốt nhất Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tăng tốc hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Canada.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo sơ kết 5 năm thực hiện Hiệp định CPTPP đồng thời thúc đẩy thương mại và đầu tư vào Việt Nam do Bộ Thương mại, Việc làm và Phát triển kinh tế tỉnh bang Ontario phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Canada tổ chức.
Đại sứ Việt Nam tại Canada, ông Phạm Vinh Quang cho biết: "Thương mại Việt Nam - Canada đã có sự bứt phá mạnh mẽ kể từ khi CPTPP đi vào thực thi".
CPTPP là khối thương mại đại diện cho 500 triệu dân, với GDP khoảng 13.500 tỷ USD, đã mang lại những cơ hội mới cho quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng gần 60%, từ mức 3,8 tỷ USD năm 2018 lên trên 6,3 tỷ USD năm 2022.
Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, bà Trần Thu Quỳnh đánh giá, trong số các nước thành viên CPTPP, Việt Nam là nước đã khai thác tốt nhất Hiệp định này để tăng tốc xuất khẩu hàng hóa sang Canada.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Canada đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng Việt Nam sang Canada đạt 6,3 tỷ USD, tăng gần 20%; nhập khẩu hàng Canada vào Việt Nam chỉ đạt 711 triệu USD, giảm 6,5%.
Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Canada vẫn giữ mức thặng dư cao nghiêng về Việt Nam, đạt 5,6 tỷ USD.
Nhờ lợi thế cạnh tranh, được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi (cắt giảm thuế quan đến 94%), các doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm và có sự nhận biết tốt hơn về sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam.
Trong chiến lược mua hàng của các doanh nghiệp Canada, Việt Nam đang nổi lên mạnh mẽ nhờ yếu tố “ổn định, có thể dự báo và giá thành rẻ”. “Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng biết tận dụng các FTA để khai phá thị trường nước ngoài, thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về CPTPP và sử dụng form C/O mẫu CPTPP ngày càng tăng qua các năm", bà Trần Thu Quỳnh cho hay.
Năm qua, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Canada có mức tăng trưởng tốt. Cụ thể: Chất dẻo nguyên liệu tăng 224%, đạt 16,6 triệu USD; Túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù tăng 115%, đạt 192 triệu USD; Giày dép các loại tăng 64,5%, đạt 605triệu USD; Hàng dệt, may tăng 40%, đạt 1,3 tỷ USD...
Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin, thị trường Canada còn có nhu cầu lớn với một số lĩnh vực mặt hàng rất tiềm năng của Việt Nam như: Dây cáp điện và các thiết bị điện nhỏ (đèn, ổ cắm, dây nối…); sản phẩm nhựa gia dụng, túi nhựa và đồ chơi; sản phẩm giấy và carton; trang sức; cửa nhôm nhựa và cửa sổ cuốn; dược mỹ phẩm hữu cơ và dầu thơm, thủ công mỹ nghệ, thuỷ tinh, gốm sứ gia dụng và vệ sinh…
Tuy nhiên, Canada là một thị trường tiêu chuẩn cao, có nhiều đối thủ cạnh tranh cùng quan tâm đến thị trường, trong đó có các doanh nghiệp từ Nam Mỹ.
Ngoài ra, khoảng cách địa lý, tiêu chuẩn cao, chi phí quảng bá thâm nhập thị trường cao, giá vận chuyển cao… cũng khiến các doanh nghiệp của Việt Nam khó cạnh tranh tại thị trường này.
Để khai thác tốt hơn nữa Hiệp định CPTPP, cải thiện năng lực xuất khẩu vào thị trường Canada, Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến nghị, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến việc tìm hiểu thị trường, tìm hiểu thị hiếu và quy định của sở tại; chủ động nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn; sáng tạo mẫu mã và mở rộng quy mô sản xuất.
Đặc biệt, ngoài đảm bảo tính cạnh tranh về giá, chúng ta phải chú ý đến các quy tắc xuất xứ, các giá trị về môi trường và thương mại công bằng trong kinh doanh và đảm bảo nguồn cung ổn định.
Được biết, từ tháng 6/2023, Canada cấm nhập khẩu các sản phẩm đồ uống có ống hút và tay xách nhựa và sẽ cấm bán hoàn toàn các sản phẩm này từ tháng 6/2024.
Cùng đó, mốc thời gian cấm sản xuất và nhập khẩu đối với các sản phẩm nhựa khác như túi đựng rác, nhựa trong y tế, nhựa trong mỹ phẩm và đồ vệ sinh cá nhân... sẽ được Canada công bố dần.
Đây là chiến lược tổng thể của Canada nhằm loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp nhựa. Theo đó, các doanh nghiệp Việt cần cập nhật các quy định mới của Canada để thích ứng và có lộ trình chuyển đổi.