Chiều 14/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc về việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Từ việc khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Pháp, Estonia, Malaysia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết có thể rút ra một số bài học từ các quốc gia này.
Cụ thể, Estonia đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật về Thông tin công cộng năm 2001, Luật về Chữ ký số năm 2000, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2008. Tương tự như vậy, Pháp cũng ban hành Luật Cộng hòa số để thúc đẩy môi trường Chính phủ điện tử, xã hội số.
Estonia xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia để cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp (1.500 dịch vụ trực tuyến) và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử eID do Bộ Nội vụ quản lý, xác thực thông qua số điện thoại (MobileID).
Đến nay, 99% công dân Estonia được cấp 1 mã số định danh duy nhất (eID) và 1 thẻ căn cước điện tử kèm chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan Nhà nước.
Pháp xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống liên kết định danh quốc gia cho phép kết nối giữa các dịch vụ công trực tuyến với 1 lần đăng nhập duy nhất (France Connect).
Với việc triển khai France Connect - hệ thống đăng nhập liên thông dựa trên sự liên thông giữa các dịch vụ công thông qua một định danh đã được kiểm định, công dân Pháp chỉ cần đăng nhập hệ thống này để có thể sử dụng tất cả các dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan Nhà nước cung cấp.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói, đó có thể là giải pháp phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh chưa hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân nhưng đã có mã số thuế, mã số bảo hiểm xã hội và tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động cao.
"Nghĩ lớn nhưng bắt đầu từ cái nhỏ nhất"
Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, các nước đều xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức với nhau theo hướng phi tập trung.
Estonia xây dựng nền tảng x-Road, cho phép liên kết giữa các hệ thống thông tin khác nhau (tính đến hết năm 2016, có 975 cơ quan đã kết nối vào x-Road).
Việc triển khai liên kết các hệ thống thông tin qua nền tảng x-Road đã giúp tiết kiệm cho người dân Estonia khoảng thời gian tương ứng 800 năm làm việc mỗi năm.
Estonia cũng xây dựng Hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ (e-Cabinet) theo dõi, quản lý lịch họp, nghiên cứu, xử lý tài liệu, hồ sơ điện tử qua mạng phục vụ Chính phủ và Hệ thống tham vấn chính sách (e-Consultation).
Các hệ thống này giúp giảm thời gian, giấy tờ cho các cuộc họp của Chính phủ (có những cuộc họp Chính phủ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, cuộc họp ngắn nhất kéo dài 1 phút)…
Pháp xây dựng État Plateforme - nền tảng Chính phủ điện tử của Pháp với một kiến trúc mở cho phép dễ dàng trao đổi thông tin giữa các hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính.
Nước này cũng đang thực hiện chính sách phi giấy tờ, áp dụng triệt để nguyên tắc 1 vào 2 ra (ban hành 1 văn bản mới thì phải bãi bỏ 2 văn bản cũ), áp dụng công nghệ thông tin để số hóa các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa; xử lý số hóa tại Văn phòng Chính phủ.
“Cần nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ cái nhỏ nhất, hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, ông Mai Tiến Dũng kiến nghị quan điểm chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử.
Thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử
Tại cuộc họp, Thủ tướng nhất trí thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.
Ủy ban này sẽ do Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó chủ tịch và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Ủy viên thường trực kiêm Tổng Thư ký. Cơ quan thường trực của Ủy ban đặt tại Văn phòng Chính phủ.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, cần hoàn thiện thể chế để triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, nhất là việc kết nối phi tập trung về chia sẻ dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng các Nghị định về bảo vệ dữ liệu riêng tư, định danh điện tử của cá nhân, tổ chức và chia sẻ dữ liệu.
"Khẩn trương thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng phi tập trung như bài học của Estonia và Pháp.
Đây là giải pháp phù hợp với Việt Nam, trong bối cảnh chúng ta có quá nhiều hệ thống thông tin tại các cấp nhưng không kết nối được, không chia sẻ được với nhau”, Thủ tướng nói và giao Văn phòng Chính phủ trong tháng 11/2018 trình Thủ tướng xem xét phê duyệt đề án về lĩnh vực này.
Ông cũng yêu cầu khẩn trương thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành phải là những cơ quan đi đầu trong áp dụng “phi giấy tờ” ở Việt Nam.