Dòng vốn ĐTNN có vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi và phát triển, bởi dòng vốn này có thể hỗ trợ tiết kiệm cá nhân, giúp các nền kinh tế tăng tỷ lệ tích tụ vốn và phát triển, nhất là đối với các nước nghèo có tỷ lệ vốn tính theo bình quân đầu người lao động thấp. Chính vì vậy, chủ trương phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta từ khi đổi mới đến nay đã rất chú trọng việc tận dụng nguồn vốn nước ngoài. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp; các loại hình doanh nghiệp được đa dạng nhằm thu hút ngày càng nhiều vốn ĐTNN để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Việc thu hút nguồn vốn ĐTNN vào Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng kể từ năm 1992 đến nay, chủ yếu dưới hình thức đầu tư trực tiếp (FDI) và tài trợ ODA; hình thức đầu tư gián tiếp (FII) mới xuất hiện trong những năm gần đây nhưng đã có sự gia tăng kể từ năm 2005. Trong năm 2007, với việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, vị thế của Việt Nam đã được nâng lên nhiều. Cùng với việc môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phù hợp với các cam kết quốc tế, Việt Nam đã thu hút thêm một lượng đáng kể vốn ĐTNN.
Xét về nguồn vốn FDI, tính từ năm 1988 đến năm 2007, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đầu tư thực hiện tại Việt Nam đạt trên 29 tỷ USD, trong đó khoảng 20 tỷ USD vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, 2 tỷ USD vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và khoảng hơn 7 tỷ USD vào lĩnh vực dịch vụ. Riêng trong năm 2007, số vốn FDI đăng ký lên tới 20,3 tỷ USD, bằng 2/3 số vốn thực hiện trong gần 20 năm qua.
Về vốn FII, trong năm 2005, đầu tư gián tiếp của các nhà ĐTNN thông qua TTCK Việt Nam vẫn còn rất nhỏ, ngoại trừ nguồn vốn 750 triệu USD đầu tư vào trái phiếu chính phủ mà Việt Nam phát hành tại nước ngoài tháng 11/2005. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, báo cáo của các doanh nghiệp và ước tính của Ngân hàng Nhà nước thì nguồn vốn FII vào Việt Nam được phản ánh trên cán cân thanh toán có xu hướng ngày càng gia tăng (xem bảng 1).
|
Sự gia tăng của dòng vốn ĐTNN đã phản ánh môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng được cải thiện. Với chính sách quản lý ngoại hối ngày càng thông thoáng hơn (như giao dịch vãng lai được tự do hoá từ tháng 11/2005, cho phép các nhà ĐTNN chuyển lợi nhuận về nước sau khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế, phí..., xoá bỏ quy định về việc nhà ĐTNN chuyển vốn vào Việt Nam sau 1 năm mới được rút ra); mở rộng tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam từ mức 30% lên 49%, đã khuyến khích nguồn vốn đầu tư gián tiếp gia tăng.
Vốn ĐTNN về cơ bản đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong gần 20 năm qua. Theo thống kê, khu vực có vốn ĐTNN đã đóng góp vào GDP với tỷ trọng ngày càng tăng: năm 1992 là 2%, năm 1996 là 7,6%, năm 1999 là 10,3%, năm 2000 là 13,27%, năm 2002 là 13,76%, năm 2006 là 17,05%. Trên 4.000 doanh nghiệp có vốn ĐTNN đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 700.000 lao động trong nước, chưa kể những lao động gián tiếp tại các vùng nguyên liệu trên phạm vi toàn quốc. Các số liệu thống kê cũng cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các doanh nghiệp FDI trong việc tạo ra việc làm mới trong hai thập kỷ qua. Đặc biệt, giai đoạn 2000 - 2005, việc làm mới được tạo ra bởi các doanh nghiệp FDI tăng trung bình 24,4%/năm (tăng gần gấp 3 lần về mặt tuyệt đối, từ 227.000 người năm 2000 lên 667.000 người năm 2005 và 1,265 triệu người năm 2007), bỏ xa khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Thêm vào đó, các dự án ĐTNN đã khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng, làm thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương, tạo cơ hội đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế trong phạm vi tỉnh, thành phố. Ngoài ra, dòng vốn ĐTNN còn có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường tài chính; nhờ có dòng vốn FII mà TTCK Việt Nam có thêm động lực để phát triển vượt bậc từ năm 2006 đến nay.
Trong bối cảnh nền kinh tế thiếu vốn, sự gia tăng nguồn vốn ĐTNN đã góp phần bù đắp một phần thâm hụt cán cân thương mại, cán cân thanh toán tổng thể đã tăng mức bội thu từ 2,1 tỷ USD năm 2005 lên hơn 10 tỷ USD năm 2007, qua đó góp phần tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thực tế cũng cho thấy, lợi ích thu được của các nhà ĐTNN tại thị trường Việt Nam cũng có sự gia tăng qua các năm. Theo số liệu thống kê, trên cán cân thanh toán giai đoạn 1996 - 2007, khoản mục thu nhập đầu tư ròng, nếu loại bỏ phần trả lãi thì hầu hết các khoản chi đầu tư là lợi nhuận chuyển về nước của các nhà ĐTNN (chưa kể lợi nhuận để lại tái đầu tư) và con số này tăng lên đáng kể trong 2 năm gần đây (2006 - 2007). Nếu so sánh số lợi nhuận chuyển về nước của các nhà ĐTNN trong từng năm với dòng vốn nước ngoài thực tế vào Việt Nam trong năm thì tỷ lệ này từ năm 1996 đến nay ngày càng tăng, có năm lên tới hơn 50% số chuyển (xem bảng 2).
|
Những số liệu trên cho thấy phần nào bức tranh về lợi ích mang lại của dòng vốn ĐTNN đối với nền kinh tế, cũng như những lợi ích của nhà ĐTNN thu được từ Việt Nam, nhất là trong 2 năm gần đây, khi dòng vốn FII gia tăng gắn liền với những lợi ích ngày càng tăng của các nhà ĐTNN. Qua đó, Việt Nam cần tiếp tục có những chính sách phù hợp, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các nhà ĐTNN.