Cục Phòng vệ thương mại (thuộc Bộ Công Thương) vừa cho biết Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, từ giữa tháng 10/2018, đơn vị này nhận được hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các mặt hàng trên của 4 công ty sản xuất nhôm thanh định hình là Công ty CP Nhôm Austdoor, Công ty CP Nhôm Sông Hồng, Công ty TNHH Tung Yang và Công ty CP Tập đoàn Mienhua.
Bộ Công Thương cho biết 4 doanh nghiệp này đáp ứng đủ điều kiện để được coi là đại diện của ngành sản xuất trong nước và được phép yêu cầu cung cấp cơ sở hợp lý để tính toán biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu xuất xứ từ Trung Quốc.
Phía nguyên đơn đề nghị biên độ điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa bị điều tra của Trung Quốc ở mức 35,58%.
“Về thiệt hại và mối quan hệ nhân quả, hàng hóa bị cáo buộc bán phá giá là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước thể hiện qua việc suy giảm ở các số chỉ số như công suất sử dụng, lượng hàng tồn kho, lợi nhuận, tác động kìm giá, ép giá…”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết.
Đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng nói thêm thời gian qua, nhôm thanh định hình nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng liên tục từ tương đối đến tuyệt đối dẫn đến ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại.
Về biện pháp tạm thời, căn cứ kết luận điều tra sơ bộ, cơ quan điều tra có thể kiến nghị Bộ Công Thương quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời theo quy định pháp luật và không vượt quá biên độ bán phá giá 35,58% trong kết luận sơ bộ điều tra.
Đây là vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên trong năm 2019 do Việt Nam khởi xướng. Bốn năm nay, số vụ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài của Việt Nam không nhiều.
Trong khi đó, cuối năm 2018, Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết hiện một số thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp để bảo vệ những mặt hàng được sản xuất trong nước.
Chỉ trong chưa đầy nửa năm, tính từ tháng 5/2018, các nước G20 đã khởi xướng tổng cộng 63 vụ việc chống bán phá giá, 19 vụ việc chống trợ cấp và 3 vụ việc tự vệ với mặt hàng nhập khẩu của các nước.
Riêng Việt Nam, chỉ tính đến tháng 11 đã có 19 vụ điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu.
Cục Phòng vệ Thương mại cho biết các mặt hàng bị điều tra nhiều nhất là sắt thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử… Ngoài ra, hiện một số mặt hàng xuất khẩu khác đang đứng trước nguy cơ bị điều tra là ván ép xuất sang Hoa Kỳ, lốp xe tải và xe khách xuất sang EU.