Theo đó, giai đoạn 2022-2024 là giai đoạn quan trọng để Việt Nam tập trung phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong quá trình đó, ngành Thông tin và Truyền thông cần nỗ lực, cố gắng thể hiện vai trò của mình trong phục hồi, phát triển kinh tế. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với từng lĩnh vực.
- Lĩnh vực bưu chính: Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại gắn với đa dạng hóa mô hình phân phối hiện đại, hạ tầng bưu chính, viễn thông, logistics. Đến hết năm 2022, Việt Nam đạt thứ hạng 46 theo xếp hạng Chỉ số phát triển bưu chính (2IPD) của Liên minh Bưu chính thế giới UPU. Bưu chính hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 40 quốc gia dẫn đầu về 2IPD vào năm 2024.
- Với lĩnh vực viễn thông: Triển khai thương mại 5G, thử nghiệm các biện pháp tăng cường dùng chung chia sẻ hạ tầng viễn thông. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về băng tần đấu giá, triển khai đấu giá, cấp giấy phép băng tần cho 4G, 5G. Đặt mục tiêu phủ sóng di động 5G đến 8% dân số vào năm 2022 và 20% dân số vào năm 2024. Nâng bậc và cải thiện thứ hạng, đối với viễn thông, chỉ số phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (IDI) theo đánh giá của ITU vào top 70 IDI trong năm 2022. Tiếp tục chuyển dịch, phát triển hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số trong giai đoạn 2022-2024 với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình trên 10%/năm, hướng tới đạt mục tiêu doanh thu 22,9 tỷ USD vào năm 2024.
- Lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số: Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Đến hết năm 2022, Việt Nam vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Giai đoạn 2022-2024, xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) với tốc độ tăng trưởng giao dịch thực hiện qua NDXP trung bình 20%/năm trong giai đoạn 2022-2024.
- Lĩnh vực an toàn thông tin mạng: Xây dựng, vận hành hiệu quả các hệ thống kỹ thuật phục vụ Chính phủ; duy trì các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, bảo đảm an toàn thông tin không gian mạng Việt Nam. Hướng tới làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin Việt Nam đạt 95% trong năm 2022. Giai đoạn 2022-2024, chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia tại tất cả các mảng của an toàn thông tin mạng.
- Lĩnh vực kinh tế số: Hoàn thiện thể chế tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế số và xã hội số; triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp. Giai đoạn 2022-2024, tiếp tục đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các nền tảng số quốc gia; đặt mục tiêu tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 40 tỷ USD và tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP 16,5% vào năm 2024.
- Lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông: Tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đến hết năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân đạt 0,7; số lượng khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên Chuỗi Khu công viên phần mềm Quang Trung được thành lập mới là 2 (tính từ năm 2021). Giai đoạn 2022-2024, tập trung phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục duy trì tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP ở mức 6-6,5% trong giai đoạn 2022-2024.
- Lĩnh vực báo chí, truyền thông: Báo chí tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo khát vọng Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Tập trung thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước; chú trọng tuyên truyền về khát vọng phát triển quốc gia, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt; kịp thời phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái; gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm...
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt 21 tỷ USD, nền kinh tế số Việt Nam đang tương đương Malaysia và đứng sau Indonesia (70 tỷ USD) và Thái Lan (30 tỷ USD).
Dự kiến vào năm 2025, quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 29%.
Vào thời điểm đó, nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan (quy mô dự kiến 56 tỷ USD), và đã bỏ xa Malaysia (35 tỷ USD). Trong khi đó, Indonesia vẫn dẫn đầu với 146 tỷ USD.