Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất mới của thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam và từng bước đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất mới của thế giới.
Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất mới của thế giới

Thông tin được đăng tải những ngày gần đây, Hãng tin Sputnik của Nga đã gọi Việt Nam là “cứ điểm sản xuất mới của thế giới”. Viện dẫn các con số xuất khẩu kỷ lục, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dồn dập đổ vào Việt Nam, Sputnik đã chứng minh điều này.

Trên thực tế, điều này đã được nhắc đến từ lâu, đặc biệt là trong thời gian gần đây, khi xu hướng ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài dốc vốn vào Việt Nam. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các tập đoàn lớn, như lời của Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, đã chọn Việt Nam là địa điểm để “tái định vị” sản xuất.

Sau Intel, Samsung, LG, ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm đến Việt Nam. Chẳng hạn, Foxconn, Luxshare, Winston, Compal, Pegatron… Các nhà đầu tư này đều đã, đang đầu tư lớn tại Việt Nam, và đang tiếp tục có kế hoạch mở rộng đầu tư.

Trong số đó, Samsung có thể coi là ví dụ điển hình. Kể từ khi bắt đầu triển khai “đại kế hoạch” đầu tư tại Việt Nam vào năm 2008, dù trước đó đã có nhà máy sản xuất TV quy mô nhỏ ở TP.HCM, Samsung - tính đến cuối năm 2021 - đã “dốc” 18 tỷ USD để xây dựng 3 tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM.

Cộng thêm dự án mới được bổ sung 920 triệu USD ở Thái Nguyên mới đây, thì tổng cộng, Samsung đã đầu tư tại Việt Nam 19,2 tỷ USD. Con số này giúp Samsung giữ vững vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Với Samsung, Việt Nam chính là cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh. Thậm chí, theo chia sẻ của ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, nếu như trước đây, Samsung đầu tư chủ yếu vào dây chuyền sản xuất, thì trong thời gian tới, sẽ tập trung vào cả các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Hiện tại, Trung tâm R&D mới của Samsung, với vốn đầu tư 220 triệu USD, vẫn đang được xây dựng tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội).

Theo kế hoạch, trung tâm này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022 và tập trung nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới của thế giới, như AI, Big Data, IoT..., không chỉ góp phần nâng vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới, trở thành cứ điểm R&D chiến lược, mà còn đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam.

Chính sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn như Samsung đã giúp Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất mới của thế giới. Và thậm chí, không chỉ là cứ điểm sản xuất các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày trước đây, mà là các sản phẩm công nghệ cao.

Trong một báo cáo được công bố vào cuối năm 2021, Savills Việt Nam đã nhận định rằng, từ một nền kinh tế với các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, Việt Nam đang tiếp tục chuyển đổi sang các ngành công nghiệp có giá trị cao.

“Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang dần dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á. Nguyên nhân là do Việt Nam không còn áp dụng các chính sách ưu đãi như trước, nên việc tìm kiếm nguồn lao động cũng như đất đai giá rẻ tại Việt Nam trở nên khá khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”, ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định.

Nhìn vào các số liệu thống kê về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây, có thể thấy rõ điều này. Trước đây, dệt may, da giày, dầu thô là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng nay, điện thoại di động, đồ điện tử, máy tính đã “soán ngôi”.

Số liệu từ Bộ Công thương, năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu 50,828 tỷ USD, giữ vị trí số 2 trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Vị trí quán quân tiếp tục thuộc về điện thoại di động và linh kiện, với 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 9,69 tỷ USD, tăng 10,3%; sang EU (27 nước) đạt 7,89 tỷ USD, giảm 9,1%... so với năm trước.

Samsung tiếp tục là doanh nghiệp đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu này. Năm 2021, Samsung Việt Nam đạt doanh thu 74,2 tỷ USD, tăng 14% so với với năm 2020. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Theo ông Choi Joo Ho, có 3 yếu tố chính giúp Samsung đạt được thành quả này. Trước hết, đó là sự hỗ trợ trợ toàn diện của Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương nơi Samsung và các nhà cung cấp đặt nhà máy. Nhờ vậy, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng quá trình sản xuất của Samsung không bị gián đoạn.

“Để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng không thể không kể đến nỗ lực của các nhân viên Việt Nam cũng như các nhân viên Hàn Quốc, khi sẵn sàng ở lại nhà máy theo quy định ‘3 tại chỗ’ nhằm duy trì hoạt động sản xuất ổn định”, ông Choi Joo Ho nói.

Và yếu tố thứ ba, tất nhiên là sự hồi phục của thị trường. Hiện nay, nhu cầu đối với các thiết bị di động đang hồi phục, nhất là với các dòng điện thoại chiến lược, như Galaxy Z Fold 3 và Galaxy Z Flip 3…

“Các dòng sản phẩm này đã gây được tiếng vang lớn trên thị trường toàn cầu và đều đang được sản xuất tại Việt Nam, do đó, đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam”, ông Choi Joo Ho nói.

Không chỉ Samsung, mà các nhà đầu tư khác, như Intel, LG, Foxconn… vẫn đang không ngừng mở rộng đầu tư và các hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Khi các hoạt động này được đẩy lên cao, thì Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành cứ điểm sản xuất mới của thế giới.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục