Việt Nam đăng cai Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai 2023

Đây vừa là sự kiện thể hiện trọng trách, vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, vừa là cơ hội để học tập kinh nghiệm quốc tế với hoạt động phòng, chống thiên tai tại Việt Nam.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, phát biểu tại buổi họp báo sáng 6/10/2023.

Từ ngày 8/10 - 13/10/2023, 8 Bộ trưởng, 4 Thứ trưởng và hơn 140 đại biểu quốc tế sẽ có mặt tại Quảng Ninh để tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, do Việt Nam đứng ra chủ trì.

Chia sẻ tại buổi họp báo sáng 6/10, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, nhấn mạnh Đông Nam Á là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Dự báo khu vực này sẽ tiếp tục phải đối mặt với các đợt thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ. Vì vậy, quản lý rủi ro thiên tai là nội dung được các quốc gia ASEAN chú trọng hợp tác từ nhiều năm nay, thông qua nhiều công cụ và cơ chế phối hợp.

Theo trình tự luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, năm 2023, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM). Do đó, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (lần thứ 11), các phiên họp thường niên của ACDM và tổ chức các hoạt động hưởng ứng.

“Đây vừa là trọng trách và cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động dẫn dắt, nâng cao vị thế, thể hiện vai trò trong hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ giữa ASEAN và các đối tác nói chung".

"Bên cạnh đó, việc đảm nhận vai trò Chủ tịch sẽ giúp Việt Nam tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực từ các đối tác và cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam và góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN có khả năng chống chịu với thiên tai, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và khu vực”, ông Phạm Đức Luận nhấn mạnh.

Hiện phía Việt Nam đang hoàn thiện sáng kiến “Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN” để thông qua tại hội nghị. Sáng kiến tập trung vào nội dung hành động sớm trong phòng chống thiên tai đã được Việt Nam triển khai từ lâu và mang lại hiệu quả cao trong giảm thiểu thiệt hại với các hoạt động cảnh báo, dự báo.

Ông Luận cho biết trước đây, Việt Nam thiệt hại trung bình mỗi năm là 1-1,5%GDP, 400 người chết. Sau khi triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tại, từ năm 2017 đến nay thiệt hại giảm 20%, năm 2022 chỉ thiệt hại trên 5.000 tỷ, 200 người chết.

“Tuyên bố Hạ Long là sáng kiến do Việt Nam đề xuất xây dựng, góp phần tạo nên dấu ấn của nước ta trong năm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong quản lý thiên tai, được tất cả các nước ASEAN đánh giá rất cao và đồng thuận”, ông Phạm Đức Luận khẳng định.

Được biết, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 là hội nghị có sự tham gia đông nhất của lãnh đạo các quốc gia liên quan từ trước đến nay.

Bên cạnh các hoạt động chính do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tỉnh Quảng Ninh còn tổ chức các hoạt động bên lề, như tổ chức vòng chung kết Cuộc thi hùng biện tiếng anh về phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra tại trường THCS Bãi Cháy ngày 3/10 vừa qua. Ngày 8/10 sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức giải chạy tiếp sức hưởng ứng ASEAN quản lý thiên tại. Đồng thời, tổ chức lễ hưởng ứng ngày quốc tế về giảm thiểu rủi ro thiên tai và ngày ASEAN quản lý thiên tai.

Theo luân phiên, năm 2023, Việt Nam giữ vai trò chủ tịch và sẽ tổ chức một chuỗi các sự kiện từ 3-12/10 nhằm hưởng ứng năm chủ tịch của Việt Nam, với nhiều hoạt động. Trong đó, tập trung vào ngày 9-11/10 sẽ diễn ra Họp thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), các cuộc họp ACDM + Trung Quốc, ACDM + Nhật Bản, ACDM + Hàn Quốc; Họp lần thứ 19 Ban quản trị Trung tâm AHA và Diễn đàn ASEAN lần thứ 4 về tăng cường khả năng chống chịu thiên tai.

Đặc biệt, ngày 12/10 sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, các Hội nghị AMMDM + Trung Quốc, AMMDM + Nhật Bản, AMMDM + Hàn Quốc.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục