Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau sự bùng nổ của năm 2017, năm 2018 được dự báo sẽ là năm thị trường bất động sản tiếp tục có sự tăng trưởng và phát triển ổn định với sự nhập cuộc mạnh mẽ của khối ngoại.
Theo các số liệu thống kê, thị trường bất động sản Việt Nam thu hút gần nửa tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay và chiếm 12,8% tổng vốn FDI của cả nước trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, giai đoạn này của thị trường đang có những dấu hiệu bất ổn sau giai đoạn dài tăng trưởng nóng trước đó, xuất phát từ việc một số khung chính sách hiện nay còn nhiều kẻ hở, chưa có sự thống nhất, nhất quán giữa nhiều bộ luật với nhau, gây khó khăn trong việc quản lý thị trường cũng như ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra.
Việt Nam đã có 8/10 dấu hiệu bong bóng bất động sản, bao gồm giao dịch, giá cả, các công trình khởi công, địa bàn triển khai tăng, chủ thể tham gia thị trường bất động sản, quy môl giá trị dự án, nguồn tiền vào các dự án bất động sản… đều tăng
Ông Lộc thông tin, Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 của Quốc hội khóa XIV tổ chức từ 21/5 tới đây, sẽ xem xét, thông qua nhiều dự luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, xây dựng như: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế thu nhập cá nhân và Luật Đơn vị hành chính đặc biệt...
“Hy vọng rằng, tất cả những khung khổ pháp luật và chính sách đó sẽ tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng góp phần thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản trong những năm tới”, ông Lộc kỳ vọng.
Đồng quan điểm, ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, hiện có 5+1 cơ quan quản lý bất động sản là cơ quan về đất đai, cơ quan xây dựng nhà ở và quản lý bất động sản, ngân hàng, cơ quan thực thi chính sách về tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư và cơ quan thứ 5+1 chính là Tư pháp.
"Các cơ quan này phối hợp với nhau tạo thành hệ thống luật liên quan đến bất động sản nhưng không có một cơ quan nào đứng ra quản lý chung cho thị trường bất động sản", ông Chung nhìn nhận và cho rằng, cần sớm có sự thống nhất giữa các cơ quan để có thể giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn đối với thị trường.
Theo đánh giá của ông Chung, hiện tại, Việt Nam đã có 8/10 dấu hiệu bong bóng bất động sản, bao gồm giao dịch, giá cả, các công trình khởi công, địa bàn triển khai tăng, chủ thể tham gia thị trường bất động sản, quy môl giá trị dự án, nguồn tiền vào các dự án bất động sản… đều tăng, truyền thông cũng quan tâm nhiều hơn.
“Chỉ còn 2 điểm nữa là chúng ta sẽ chạm ảnh hưởng vào khủng khoảng 2008 - 2009 là đầu tư công và nguồn vốn xây dựng nhà đất. Hiện hai nguồn này đang kéo ngược thị trường bất động sản, nên chúng ta vẫn còn có thể yên tâm”, ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung, từ kinh nghiệm cho thấy, thị trường bất động sản có chu kỳ cứ 10 năm lại quay vòng lại một vòng: Phục hồi - tăng trưởng - suy thoái - khủng hoảng. Trên thực tế, từ năm 2011 - 2013 thị trường bất động sản Việt Nam nằm ở đáy khủng khoảng, 2014 phục hồi, năm 2015 - 2017 bắt đầu tăng và năm 2018 hy vọng không trở lại vòng quay của thị trường.
“Đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm, nên tiếp tục đầu tư hay không là quyết định của mỗi nhà đầu tư vì 'đồng tiền đi liền khúc ruột'”, ông Chung cảnh báo.