Ông hãy chia sẻ những góc nhìn chuyên sâu từ nghiên cứu mới nhất của Citi về hệ sinh thái chuỗi cung ứng tại châu Á?
Theo nghiên cứu mới nhất được Citi và East & Partners hợp tác tiến hành, trước tình hình lạm phát gia tăng và thương mại toàn cầu vẫn dễ bị “tổn thương” do hậu quả của Covid-19, cũng như xu hướng địa chính trị hiện nay, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang tập trung xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.
Một thách thức tương đối mới là chi phí tăng cao. Trên toàn khu vực, 1/4 các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí hàng tồn kho cao hơn trước; những công ty ở Việt Nam và Ấn Độ hiện ít bị ảnh hưởng nhất.
Citi đang tích cực làm việc với khách hàng, tư vấn cách quản trị chuỗi cung ứng và cung cấp các giải pháp quản lý dòng tiền, thanh khoản và tài chính thích hợp, nhằm vượt qua những bất ổn thị trường hiện nay.
Cơ hội nào cho Việt Nam trong bối cảnh phức tạp hiện nay của thương mại khu vực?
Nhiều năm qua, Việt Nam đã củng cố được vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nổi lên như một điểm đến hấp dẫn và tiềm năng. Lợi thế của Việt Nam bao gồm chi phí lao động thấp; vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á và gần Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; dân số trẻ, dân trí cao; Chính phủ luôn tập trung hoàn thiện các chính sách hỗ trợ kinh doanh và pháp luật lao động, cũng như khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nhằm tăng cường hơn nữa lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với một số đối tác quốc tế. Các hiệp định này giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thông qua việc giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hải quan tại các thị trường.
Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam tương tự các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực ASEAN. Bắt đầu bằng việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các công ty nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải đảm bảo chuỗi cung ứng của mình không được phụ thuộc vào một nguồn duy nhất, ở vị trí gần hơn các thị trường đích, đồng thời tăng khả năng phục hồi sau những gián đoạn. Việt Nam, rộng hơn là ASEAN và Ấn Độ, đang hưởng lợi lớn từ thực tế này.
Điều đó, cùng với dân số trẻ, chuộng công nghệ, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, sự phát triển theo cấp số nhân của công nghệ và nền kinh tế kỹ thuật số, đô thị hóa và các dự án cơ sở hạ tầng, góp phần củng cố vai trò của Việt Nam trên sân chơi toàn cầu.
Citi đang hiện diện mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam và ASEAN, tập trung cung cấp cho khách hàng hàng loạt giải pháp tài chính nhằm hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng và kinh doanh bền vững, bao gồm các giải pháp về vốn lưu động, “tài chính xanh”, ngân hàng điện tử.
Cụ thể, các giải pháp trọng tâm của Citi tại Việt Nam để hỗ trợ chuỗi cung ứng và hệ thống thương mại là gì?
Sứ mệnh của Citi là trở thành đối tác tin cậy đối với khách hàng bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính giúp thúc đẩy tăng trưởng và tiến bộ kinh tế. ASEAN là một khu vực quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của Citi tại châu Á - Thái Bình Dương và chúng tôi đã có mặt tại đây hơn một thế kỷ. Tại Việt Nam, năm tới, chúng tôi sẽ kỷ niệm 30 năm hoạt động.
Trong lĩnh vực thương mại, Citi tập trung vào 3 lĩnh vực chính. Một là tập trung vào các giải pháp vốn lưu động toàn diện cho khách hàng, đặc biệt là những doanh nghiệp nằm trong vòng quay thay đổi chuỗi cung ứng hiện nay. Những giải pháp này sẽ mở rộng tài chính chuỗi cung ứng và tận dụng mạng lưới để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại xuyên biên giới.
Thứ hai là tập trung vào “tài chính xanh”. Cung cấp các giải pháp tài chính hướng đến tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG) cho các giao dịch thông thường, cũng như các “dự án xanh”, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời, là một lĩnh vực quan trọng đối với Citi. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, tận dụng mối quan hệ đối tác bền chặt với các tổ chức tín dụng xuất khẩu và các tổ chức tài chính phát triển để tài trợ cho các “dự án xanh” mang tính dài hạn tại Việt Nam.
Thứ ba là số hóa. Đại dịch đã buộc các công ty trên toàn thế giới phải số hóa và Citi cũng đang hoàn thiện năng lực ngân hàng điện tử trong khuôn khổ các quy định của Việt Nam. Ví dụ, chúng tôi đang tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại trên CitiDirect BE®, nền tảng điện tử của ngân hàng dành cho khách hàng doanh nghiệp, giúp các giao dịch được tiến hành đơn giản hơn, nhanh hơn và tiện dụng hơn.
Ông có lời khuyên nào dành cho khách hàng trước những thay đổi to lớn trong mô hình kinh doanh và chuỗi cung ứng?
Citi là ngân hàng có vị thế độc nhất vào thời điểm này. Chúng tôi có hơn 200 năm kinh nghiệm giúp khách hàng vượt qua những thách thức khó khăn nhất và nắm bắt những cơ hội tuyệt vời nhất. Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày một phức tạp, trong đó kinh doanh và địa chính trị đang tạo ra một động lực hoàn toàn mới và khách hàng kỳ vọng các dịch vụ tài chính trở thành một phần liên tục trong cuộc sống số của họ.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, các ngành đều chịu áp lực căng thẳng do lạm phát và chi phí gia tăng, nhưng các sản phẩm tài chính có thể giúp giảm bớt những áp lực này thông qua khả năng quản trị tốt hơn vốn lưu động, tính thanh khoản và dòng tiền, củng cố hệ sinh thái các nhà cung cấp.
Các giải pháp tài chính bền vững là một lựa chọn hấp dẫn và chi phí cho những giải pháp như vậy trở nên rẻ hơn so với giải pháp tài chính thông thường. Nếu các doanh nghiệp thực sự có thể theo đuổi “con đường xanh” với các nhà cung cấp của mình, sẽ không chỉ giúp họ giảm chi phí tài chính, mà còn tiến nhanh hơn tới một hệ sinh thái ESG toàn diện.
Quan trọng hơn, ESG ngày càng trở thành tiêu chí thiết yếu đối với sự tồn tại và thành công trong tương lai của các doanh nghiệp, khi các nhà đầu tư và khách hàng đều đòi hỏi nhiều hơn tính bền vững trong hoạt động của họ.
Công nghệ và kỹ thuật số đã nổi lên trở thành một điểm khác biệt quan trọng giúp quản trị các hoạt động kinh doanh và xu hướng này đang nổi trội. Mặc dù vậy, quá trình số hóa và khả năng ứng dụng kỹ thuật số là không đồng đều trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo nghiên cứu do Citi hợp tác với East & Partners thực hiện, cứ 3 công ty ở Trung Quốc, Singapore và Hồng Kông, thì có một công ty đang sử dụng các công cụ sáng tạo mới cho các giao dịch thương mại của họ. Tuy nhiên, chỉ có 6% công ty ở Việt Nam, 12% ở Thái Lan và 14% ở Ấn Độ đang ứng dụng các công cụ số như vậy.
Tại Citi, công nghệ giúp chúng tôi mang tài sản lớn nhất của mình là mạng lưới toàn cầu tới cho tập khách hàng đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng, hiệu quả và khả năng tiếp cận cơ hội và thị trường quốc tế. Citi hiện hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với nhà quản lý tài chính của các tập đoàn, để cung cấp các giải pháp tăng cường hỗ trợ chuỗi cung ứng và phân phối của khách hàng, về cả mặt hoạt động lẫn tài chính.