Việt Nam còn dư địa thực hiện “mục tiêu kép”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh với giải pháp lâu dài là chiến lược vắc- xin sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Việt Nam còn dư địa thực hiện “mục tiêu kép”

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở trong nước, ông dự báo ra sao về kịch bản kinh tế tháng 6 và 6 tháng cuối năm?

Ở thời điểm hiện tại, rất khó để dự báo kịch bản kinh tế từ nay tới cuối năm.

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần này đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn. Tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực với nhiều giải pháp quyết liệt để đạt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cơ hội để đạt được mục tiêu này. Chính phủ đang quyết liệt trong việc kiểm soát dịch bệnh để mở cửa nền kinh tế trong thời gian sớm nhất. Một số quốc gia là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam đã và đang có kế hoạch mở cửa nền kinh tế và dần trở lại bình thường, như EU, Anh, Mỹ…

Nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn đang có đơn hàng tốt. Điều này rất khác với các đợt bùng phát dịch bệnh trước, khi các doanh nghiệp bị đứt đơn hàng do đối tác ở các thị trường nhập khẩu cũng bị rơi vào thế bị phong tỏa, dừng hoạt động.

Theo ông, giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế phù hợp nhất trong lúc này là gì?

Trong bối cảnh cấp bách hiện nay, quan điểm của tôi vẫn là ưu tiên kiểm soát dịch bệnh với giải pháp lâu dài là chiến lược vắc-xin. Các doanh nghiệp đang có có dư địa tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh, đang có đơn hàng cần được xác định là đối tượng ưu tiên về vắc-xin và hỗ trợ để tiếp tục hoạt động một cách thuận lợi nhất.

Về điểm này, tôi đánh giá rất cao những quyết sách của Chính phủ về xã hội hóa nguồn tài chính cho quỹ vắc-xin, cho phép doanh nghiệp tự mua và tiêm vắc-xin cho cán bộ, công nhân viên của mình.

Ngoài ra, cần chuẩn bị cho việc phục hồi kinh tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Lúc này là thời điểm thích hợp nhất để các bộ, ngành địa phương thực hiện rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư (cả công và tư), nếu có vướng mắc thì cần nhanh chóng tháo gỡ, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ.

Đây cũng là lúc các cấp chính quyền cần thực hiện một cách sáng tạo, có trách nhiệm thông điệp lâu nay vẫn được nhắc đến trên các diễn đàn xúc tiến đầu tư, đó là thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là thành công của chính quyền...

Nếu làm tốt được việc này sẽ tạo dư địa để phát huy mọi nguồn lực giúp phục hồi kinh tế như chỉ đạo của Chính phủ về đạt “mục tiêu kép”.

Về phía các doanh nghiệp, theo ông, cần giải pháp hỗ trợ gì trong thời gian tới để đảm bảo ổn định sản xuất - kinh doanh?

Đối với làn sóng Covid-19 lần này, về phía doanh nghiệp, khó khăn không chỉ đơn thuần là vấn đề tài chính mà phát sinh thêm nhiều chi phí phòng chống dịch, đặc biệt đối với doanh nghiệp là nơi phát sinh dịch hoặc trong khu vực dịch bệnh, ví dụ như chi phí xét nghiệm cho người lao động, chi phí phòng dịch,...

Với các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, chi phí này có thể là rất lớn. Do đó, Chính phủ cần xem xét có thêm những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đối với chi phí phòng chống dịch như chi phí xét nghiệm, mua vật tư phòng chống dịch, hoặc miễn thuế VAT cho các vật tư phòng chống dịch.

Tại thời điểm này, doanh nghiệp cần hỗ trợ để giảm tối đa chi phí hoạt động để cầm cự và gia tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục