Việt Nam có thể mở rộng kênh huy động vốn rất lớn từ thị trường tài sản số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù chưa được thừa nhận, tuy nhiên chúng ta cần nhìn vào thực tế thị trường tài sản số đang tồn tại và có quy mô rất lớn.
TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Tài sản thực RWA Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Tài sản thực RWA Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm nóng cho các hoạt động liên quan đến thị trường tiền điện tử. Theo số liệu từ Chainalysis và đã được đại diện Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ, đã có tới 120 tỷ USD tiền điện tử được chuyển vào Việt Nam trong vòng 1 năm, tính tới tháng 6/2023. Đáng chú ý, con số này cao gấp gần 5 lần so với con số 25 tỷ USD vào Việt Nam qua đường FDI. Đồng thời, Việt Nam đứng thứ ba toàn cầu về số người sở hữu tiền điện tử, sau Ấn Độ và Hoa Kỳ, với gần 26 triệu người sở hữu tiền số (dữ liệu của Crypto Crunch App).

Chia sẻ tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư cuối năm 2024” do Báo Đầu tư tổ chức, TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Tài sản thực RWA Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII cho biết, ban đầu cũng rất hoài nghi về con số lớn nhà đầu tư tiền điện tử như vậy, nhưng sau khi tham gia vào thị trường, đi dự các hội thảo về tiền điện tử trên toàn cầu thì ông đã bị thuyết phục.

Cụ thể, ở các diễn đàn, hội thảo lớn, chỉ có 3 thứ tiếng được sử dụng: Anh, Nga và Việt Nam. Điều này cho thấy có số lượng rất lớn nhà đầu tư Việt Nam trên thị trường. Đặc biệt, tốc độ tham gia đang gia tăng rất nhanh, bởi đa số họ là những người trẻ, đầu tư vào thị trường tiền số bằng một khoản rất nhỏ, dù có bị mất cũng không quá đáng lo. Một phần là do tài sản trên thị trường điện tử có thể được chia ra làm các phần rất nhỏ, khiến việc đầu tư vào có thể diễn ra rất dễ dàng.

"Tôi nhận thấy, những nhà đầu tư tham gia vào thị trường tiền điện tử là những người có tính chịu trách nhiệm rất cao bởi họ không được các đơn vị chức năng bảo vệ khi xảy ra các rủi ro như lừa đảo, mất cắp... Vì vậy, họ đã đầu tư với số vốn rất là nhỏ để đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra", TS. Phạm Anh Khôi nhận định.

Trên thế giới, quan điểm của nhiều Chính phủ lớn như Mỹ, châu Âu và Úc đều đang cởi mở với sự thận trọng nhất định về thị trường này. Đối với Chính phủ Mỹ, họ đang đi theo xu hướng thị trường tài sản thực được token hóa (Real World Asset - RWA) và đang dẫn đầu.

Theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group, quy mô thị trường tài sản thực được token hóa dự kiến đạt 16.000 tỷ USD, tương đương 10% GDP toàn cầu vào năm 2030. Thậm chí, theo Standard Chartered, thị trường này có thể tăng gấp đôi, lên tới 30.000 tỷ USD trong 4 năm kế tiếp.

Các tài sản được token hóa (RWA) là các tài sản hữu hình trong thế giới thực, được mã hóa và đưa vào hệ sinh thái blockchain như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, hàng hóa như vàng, dầu, cà phê. RWA là một trong 4 hợp phần tạo nên tài sản số nói chung, cùng 3 loại hình tài sản khác là tài sản mã hóa (Crypto assets), tài sản ảo (Virtual assets) và tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC).

Trong đó, nếu như tài sản mã hóa hay tài sản ảo có thể không được đảm bảo giá trị từ tài sản thực, CDBC do Ngân hàng Trung ương giữ toàn quyền phát hành, thì RWA lại có nhiều ưu điểm vượt trội bởi được đảm bảo giá trị bởi tài sản thực kết hợp với tốc độ giao dịch nhanh chóng, xuyên biên giới của công nghệ blockchain và có thể được phát hành bởi các định chế tài chính khác nhau.

Ngoài ra, RWA giúp nâng cao tính minh bạch của tài sản, tăng khả năng thanh khoản ở phạm vi toàn cầu, chi phí giao dịch thấp và giúp các nhà đầu tư dễ dàng đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Do đó, tiềm năng đối với thị trường tài sản số ở Việt Nam rất là lớn, bên cạnh các thị trường truyền thống như chứng khoán lại chưa đủ hấp dẫn và đáp ứng được hết nhu cầu về số lượng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.

"Nếu thị trường chứng khoán của chúng ta phát triển hơn nữa, xây dựng được những sản phẩm có thể chạm được đến số đông, có thể khiến những người trẻ sử dụng số vốn nhỏ để tham gia thì có thể tận dụng được thêm nguồn vốn vào dòng chảy của nền kinh tế. Cùng với đó, xu hướng RWA đang được nhiều Chính phủ trên thế giới cân nhắc và nếu Việt Nam cũng đi theo xu hướng đó thì có thể mở rộng được kênh huy động vốn rất lớn cho các doanh nghiệp bất động sản, trái phiếu…", ông Khôi nhấn mạnh thêm.

Qui Ánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục