Việt Nam có thể kết thúc thời kỳ "dân số vàng" sơm hơn chục năm, và đối mặt với nguy cơ “chưa giàu đã già”

Nguy cơ “chưa giàu đã già” đồng nghĩa với kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ “tụt hậu xa hơn” và “sập bẫy thu nhập trung bình”.

Thế nào là giàu và già?

Nước “giàu” là nước có thu nhập bình quân đầu người thuộc loại cao. Nước được coi là thu nhập cao là nước có thu nhập quốc dân (GNI) tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân đầu người một năm đạt trên 20.000 USD.

Việt Nam có thể kết thúc thời kỳ "dân số vàng" sơm hơn chục năm, và đối mặt với nguy cơ “chưa giàu đã già” ảnh 1

Cơ cấu dân số vàng” của Việt Nam có thể kéo dài đến năm 2035

Phải tính theo GNI, bởi nhiều nước có GDP thấp hơn GNI. “Dân số già” được hiểu là nước có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi chiếm từ 14-20% tổng dân số của cả nước.

Hiện nay, nhiều nước ở châu Á, Mỹ La-tinh đứng trước nguy cơ “chưa giàu đã già”. Theo tính toán của các chuyên gia, nhiều nước sẽ đạt chuẩn “già” vào năm 2020-2025, còn để đạt chuẩn “giàu” thì phải đến năm 2035, thậm chí sau năm 2040.

Ngay cả những nước giàu rồi cũng lo tăng trưởng kinh tế bị rơi vào tình trạng trì trệ; tỷ lệ tăng tự nhiên của dân số giảm, tuổi thọ tăng và hiện ở mức cao, giá cả hàng chục năm ở mức trên dưới 0%...

Nỗi lo “chưa giàu đã già” là nỗi lo “kép”. “Già” tác động đến cả hai đầu của “giàu”. Ở đầu thu nhập - nội dung chủ yếu nhất của “giàu”, thì “già” đã tác động đến một số yếu tố.

Trước hết, tuổi càng cao thì sức khỏe, trí tuệ (yếu tố năng suất lao động) sẽ khó cao hoặc tốc độ tăng sẽ không còn như trước.

Cơ cấu lao động đang làm việc sẽ chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng lao động ở lứa tuổi trẻ giảm, tỷ trọng lao động ở lứa tuổi cao tăng - cũng làm cho năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động sẽ không còn cao.

Ở đầu chi tiêu, tiêu thụ - động lực của sản xuất, của tăng trưởng - thì “già” tác động đến “giàu” trên một số mặt. Nhu cầu tiêu thụ, tiêu dùng của người già thấp hơn người trẻ cả về số lượng, số loại... hàng hóa, dịch vụ.

Người già có tâm lý tiết kiệm chi tiêu, thường “tích cốc phòng cơ”. Số người bước vào tuổi nghỉ hưu nhiều hơn; tuổi thọ cao lên làm cho tổng số người có nhu cầu về các chính sách xã hội tăng lên, trong khi tỷ trọng lao động ở lứa tuổi trẻ ít hơn, phần dành cho phúc lợi xã hội không tăng theo kịp...

Hiện trạng và cảnh báo

Cảnh báo về nguy cơ này xuất phát từ hiện trạng và dự báo trong thời gian tới về các chỉ tiêu liên quan đến “giàu” và “già”. Hãy bắt đầu từ “già hóa”. Việt Nam bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” từ cách đây mươi năm.

Theo thông lệ, “cơ cấu dân số vàng” của Việt Nam có thể kéo dài đến năm 2035. Tuy nhiên, Việt Nam có thể kết thúc thời kỳ có “cơ cấu dân số vàng” sớm hơn hàng chục năm (năm 2025), bởi một số chỉ tiêu về dân số đã có những biến động đáng lưu ý.

Cụ thể, tỷ suất sinh đã giảm tương đối nhanh, từ 18,6‰ vào năm 2005 xuống còn 14,71‰ vào năm 2017. Tỷ lệ tăng tự nhiên đã giảm từ 13,3‰ năm 2005 xuống dưới 7,87% năm 2017.

Tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,11 con/phụ nữ trong năm 2005 xuống còn 2,04 con/phụ nữ năm 2017, tức là ở dưới mức sinh thay thế.

Cơ cấu lao động đang làm việc theo độ tuổi đã chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng số lao động từ 15-29 tuổi giảm từ 44% năm 2010 xuống 37% năm 2016, tỷ trọng số lao động từ 50 tuổi trở lên tăng từ 20,5% lên 27%.

Việt Nam có thể kết thúc thời kỳ có “cơ cấu dân số vàng” sớm hơn hàng chục năm (năm 2025), bởi một số chỉ tiêu về dân số đã có những biến động đáng lưu ý

Tiếp theo là xét về mặt “giàu”. Trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, tuy Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng so với tiêu chí của nước giàu thì còn cách quá xa; hơn nữa còn đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn và nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình.

Kết quả tích cực nhất và tổng quát nhất trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, cũng là thời kỳ Việt Nam trên đường gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái năm 2008 đạt 1.145 USD và cũng là mức mà Việt Nam chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác có cải thiện đáng kể.

Trong khi đó, so với tiêu chí cơ bản nhất của một nước được coi là giàu, thì GDP bình quân đầu người, nếu tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái, đến năm 2016 mới đạt 2.215 USD, dự đoán năm 2017 có thể đạt 2.385  USD/người.

Nếu tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương, ước năm 2016 cũng mới đạt khoảng 6.000 USD, còn cách khá xa so với mức của nước giàu.

Đó là tính theo GDP, nếu tính theo GNI (của Việt Nam chỉ bằng 94,87% GDP) thì còn thấp hơn. Năm 2016 so với năm 2010, mức này mới tăng 36,5% - bình quân 1 năm tăng 5,32%. Với tốc độ này, thì phải 24 năm nữa (năm 2040), Việt Nam mới đạt 20.000 USD/người.

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục