Theo báo cáo mới nhất của Công ty kiểm toán KPMG về “Đánh giá các tác động kinh tế và xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam”, dược phẩm phát minh ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP năm 2021, cùng với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến 10% trong thời gian tới.
Con số này bao gồm 350 triệu USD giá trị được tạo ra trực tiếp, cộng thêm 410 triệu USD đóng góp gián tiếp thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau, như chi tiêu cho nguyên liệu thô, hoạt động hậu cần, bán hàng và tiếp thị. Khoảng 400 triệu USD còn lại được ghi nhận thông qua các chi tiêu của người lao động trong ngành này.
Việc phát triển ngành công nghiệp dược là một trong những ưu tiên trọng tâm của Chính phủ và nhà nước. Hiện nay, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược đã có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ...Do đó, cần những cách tiếp cận mới để thu hút tốt nguồn lực, công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu chung của đất nước là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn trong giai đoạn phát triển mới.
Từ góc độ chuyên gia, ông Luke Treloar, Thành viên điều hành, KPMG Việt Nam cho biết, Việt Nam cùng với các quốc gia lân cận có tính cạnh tranh cao và rất có động lực để trở thành một trung tâm khoa học đời sống. Đối với Đông Nam Á, qua nghiên cứu của mình, KPMG đã xác định được ba lĩnh vực chính mà Việt Nam nên tập trung nghiên cứu để khai thác. Thứ nhất, nội địa hóa sản xuất Khoa học đời sống, thứ hai là tiến hành số hóa cho toàn ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thứ ba là tăng cường nội địa hóa hoạt động R&D vào Việt Nam và nên bắt đầu từ các thử nghiệm lâm sàng.
Các diễn giả tham gia thảo luận tại phiên 2, Hội thảo “Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 20/7. Ảnh: Dũng Minh |
Đừng trên góc độ toàn cầu, từ việc phân tích sự phát triển của lĩnh vực dược phẩm tại các quốc gia, ông Luke Treloar chia sẻ, có thể chia các quốc gia thành 2 nhóm, thứ nhất là “tự lực tự cường”, có thị trường riêng như Trung Quốc, Nga, Brazil. Nhóm 2 là có lợi thế thu hút nguồn vốn FDI, dựa vào FDI để phát triển. Việt Nam ở nhóm 2, có dân số đông, được hưởng lợi từ các lợi ích đầu tư phát triển trên toàn cầu.
“Tôi nhận thấy có mối tương quan giữa Việt Nam và 3 quốc gia sau đây trên hành trình phát triển lĩnh vực y dược. Theo đó, Hàn Quốc, Singapore và Ireland là 3 trường hợp mà khi các quốc gia này bắt đầu xây dựng kế hoạch trở thành trung tâm khoa học công nghệ và phát triển y tế đời sống thì khi đó GDP đầu người của họ khá tương đồng với Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, mỗi quốc gia chọn 1 con đường riêng”.
Cụ thể, Singapore đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đầu tư cho hoạt động kinh doanh, mở rộng hệ thống dược phẩm.
Hàn Quốc đi con đường khác, quốc gia này xây dựng quan hệ đối tác công tư với giới học thuật, chuyên gia, chính phủ xây dựng cơ chế công - tư cho phép ứng dụng thương mại các nghiên cứu, từ đó phát triển dược phẩm, làm giảm rủi ro giai đoạn đầu và nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng các phát minh khoa học dược phẩm trên thị trường.
Trong khi đó, Ireland đã đưa ra mức thuế thấp, cơ chế khuyến khích rất cao, tạo môi trường hấp dẫn để nội địa hoá phát triển ngành dược. Đầu tiên là miễn thuế để đăng ký công nghệ tại đây, nếu doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong phạm vi quốc gia và chuyển giao công nghệ thì càng được ưu đãi hơn nữa. Theo đó, họ nâng cao năng lực từ nhà máy gia công thành nhà máy sản xuất dược phẩm, từ bước đi chập chững ban đầu trở thành lĩnh vực mạnh.
“Việt Nam cũng có những thế mạnh đặc thù. Thứ nhất là sản xuất thuốc gốc và lợi dụng lợi thế chuyển giao công nghệ để từ gia công thành sản xuất sản phẩm phức tạp. Tiếp theo tới nghiên cứu và phát triển (R&D), chúng ta không thể thực hiện nghiên cứu dược phẩm phát minh ngay, phải xây dựng lợi thế của mình dần dần trong chuỗi giá trị toàn cầu từ các bước đi ban đầu, nâng cao năng lực chuyên gia y tế, phát triển nguồn nhân sự, từ đó nâng cao trình độ R&D. Đây là điểm cần tập trung. Ngoài ra, phải tìm giải pháp khơi thông tài chính và hỗ trợ”, ông Luke Treloar chia sẻ.
Một khía cạnh đáng chú ý khác là phát triển nền tảng y tế số của Việt Nam, chuyển từ hệ thống truyền thống giấy tờ sang số hoá sẽ mang lại nhiều lợi ích, kể cả cho hoạt động R&D.