Việt Nam cần khung pháp lý đẩy mạnh xử lý nợ xấu

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, bà Trinh Nguyễn, nhà kinh tế học thuộc khối nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) cho rằng, ở các nước trên thế giới, khi khoản nợ vay của khách hàng rơi vào nợ xấu, ngân hàng có thể hoàn toàn xử lý tài sản để phát mãi, nhưng tại Việt Nam, vấn đề này không hề dễ dàng do có quá nhiều thủ tục hành chính phức tạp. 
Bà Trinh Nguyễn Bà Trinh Nguyễn

Vì thế, để giải quyết bài toán nợ xấu, Việt Nam cần có khung pháp lý rõ ràng, bao gồm đơn giản hóa các thủ tục hành chính. 

Theo bà, dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2015 sẽ ra sao?

Cũng như một số nước trên thế giới, Việt Nam đã có một thời kỳ sử dụng tín dụng (cho vay nợ) tăng cao. Vì thế, đến thời điểm hiện tại, có thể thấy được những tác động từ việc vay nợ cao này. Chúng tôi dự báo, lạm phát của tháng 11/2014 giảm từ 2,8% xuống còn khoảng 2,2%. Hiện Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp để giảm dần dòng tín dụng vào lĩnh vực không hiệu quả và ưu tiên tín dụng cho những lĩnh vực phát triển hiệu quả hơn.

Về trung hạn, chúng tôi nhận định, kinh tế Việt Nam tương đối sáng sủa, do ngành sản xuất đang hoạt động tốt và lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều cải cách trong đầu tư, đó là tập trung vào chất lượng hơn số lượng, như phát triển công nghệ bền vững và đầu tư vào các dự án phục vụ nhu cầu cấp thiết thay vì phân bổ theo vùng miền. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc mà Việt Nam phải tiếp tục làm như cải thiện năng suất, cải cách khu vực lao động, ngành giáo dục, phân bổ nguồn vốn sao cho hiệu quả và cải cách lĩnh vực ngân hàng.

Tỷ giá vẫn diễn biến tương đối ổn định 

Bà đánh giá như thế nào về các giải pháp xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện nay?

VAMC đã bắt đầu làm các công việc của họ như mua nợ xấu và phân loại nợ xấu, giúp các ngân hàng giải quyết tạm thời nợ xấu. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của Việt Nam hiện nay là khung pháp lý cho phép xử lý những khó khăn về nợ xấu chưa có. Trong đó, khó nhất là vấn đề phát mãi tài sản. Ở các nước trên thế giới, khi khoản nợ vay của khách hàng rơi vào nợ xấu, ngân hàng có thể hoàn toàn xử lý tài sản để phát mãi, nhưng với Việt Nam, vấn đề này không hề dễ dàng do có quá nhiều thủ tục hành chính phức tạp.

Chẳng hạn ở Mỹ, khi xảy ra cuộc khủng hoảng dưới chuẩn, giá bất động sản giảm rất nhiều, ngân hàng có thể bán tài sản thế chấp để thu được nợ. Nhưng ở Việt Nam, thị trường đơn giản là đóng băng, giá có giảm sâu không? Rõ ràng là không. Các thủ tục hành chính phức tạp không cho phép phát mãi tài sản nhanh chóng để thu hồi nợ. Tâm lý người đi vay và xã hội nhìn việc thu hồi nợ như một việc xấu. Việt Nam cần cải cách thủ tục hành chính để việc phát mãi tài sản thu hồi nợ thuận tiện hơn, giúp khơi thông dòng chảy tín dụng.

Nói vậy, tín dụng còn khó khăn, các doanh nghiệp sẽ không dễ tiếp cận vốn, liệu nền kinh tế có khả năng “sáng” lên không, thưa bà?

Thực ra, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn là ngành hoạt động tốt, trong khi ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định dựa trên đặc điểm dân số. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả các doanh nghiệp đều tốt lên, mà trong bối cảnh như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, phải biết kiểm soát dòng tiền một cách hiệu quả, mới có thể tăng trưởng, tồn tại tốt. Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế không nên dựa quá nhiều vào dòng vốn tín dụng, vì như thế, tăng trưởng kinh tế (GDP) sẽ không bền vững.

Theo bà, Việt Nam có nên tiếp tục “kìm” tỷ giá hay điều chỉnh để khuyến khích xuất khẩu?

Tôi cho rằng, tỷ giá của Việt Nam đang phản ánh đúng giá thị trường. Chúng ta có thể thấy, tiền đồng luôn có xu hướng tăng giá, nhưng NHNN đã có những biện pháp can thiệp để VND không có biến động đột ngột, ngay cả khi NHNN tăng thêm 1% biên độ tỷ giá, đồng Việt Nam vẫn ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực. Điều này rất quan trọng, vì hiện tại chúng ta mới tạo được niềm tin của người dân vào tiền đồng, còn cả một chặng đường dài để củng cố niềm tin của người dân, để họ cảm thấy an toàn vào hệ thống tài chính trước khi thả nổi hoàn toàn VND.

Việc kiểm soát tỷ giá hiện nay của NHNN là tạo ra mạng lưới an toàn, tăng dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến cuối tháng 6/2014 vào khoảng 35 tỷ USD - một con số khả quan, tuy nhiên, vẫn chưa đủ để đáp ứng cho nhu cầu nhập khẩu và sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra khủng hoảng. Do đó, khó dự đoán được việc cho đến khi nào NHNN mới thả nổi tiền đồng.

Các dự báo đưa ra, khả năng Fed sẽ sớm điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới. Liệu đó có phải là cơ sở để Việt Nam sớm xem xét điều chỉnh tỷ giá, thưa bà?

Quan điểm của chúng tôi cho rằng, Fed khó có thể điều chỉnh tăng lãi suất trở lại trong thời gian sớm, có thể đến tháng 9/2015 điều này mới xảy ra. Khi đó, chắc chắn đồng đô - la Mỹ sẽ tăng giá. Chúng tôi cũng đã bắt đầu nhìn thấy xu hướng giảm giá của một số đồng tiền trong khu vực như đồng Baht Thái hoặc Peso và ngay cả với đồng Việt Nam thời gian gần đây. Nhưng điều đó có xấu cho đồng Việt Nam hay không, theo tôi là không, vì khi VND giảm giá một chút sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu. Hiện tại, tiền đồng tương đối ổn định, NHNN can thiệp thị trường khi cần thiết và tăng dự trữ ngoại hối. Mặt khác, dòng tiền thuần vào Việt Nam vẫn dương, do đó, tỷ giá sẽ khó có biến động nhiều thời gian tới.

Đánh giá của bà như thế nào về dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) trong năm tới?

Về dòng vốn FII, chúng tôi nhìn thấy có một sự sụt giảm nhất định với nhà đầu tư lớn, nhưng không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. So với các nước trong khu vực, bức tranh nền kinh tế Việt Nam vẫn sáng sủa hơn. Do đó, Việt Nam vẫn là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. 

Còn đối với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam thời gian qua thì sao, thưa bà?

Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện và đang đi đúng hướng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta thấy những cải cách trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN thể hiện sự minh bạch khi cung cấp thông tin và định hướng thị trường. Các dự án đầu tư công ngày càng đi theo hướng phục vụ nhu cầu cấp thiết, thay vì chỉ phân bổ theo địa lý tỉnh, thành.

Tuy nhiên, hiện tại, phần đầu tư vào khu vực nhà nước vẫn còn cao, trong khi sản lượng đầu ra của khu vực này không lớn. Tức là phải xem lại việc phân bổ nguồn vốn. Việt Nam cũng chưa có nhiều cải cách về lao động hay phát triển công nghiệp phụ trợ. Chưa có một cơ quan đầu ngành để hỗ trợ trong việc tập trung nguồn vốn tài trợ và đưa Việt Nam tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, về dài hạn, Việt Nam vẫn cần một tầm nhìn và định hướng để phát triển nền kinh tế.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục