Việt Nam bao giờ thành trung tâm R&D của thế giới?

Việt Nam đang dần trở thành công xưởng của thế giới, song như thế là chưa đủ, mà còn cần trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) để tiến lên nấc thang phát triển cao hơn.
Việt Nam bao giờ thành trung tâm R&D của thế giới?

Chi tiết chưa được tiết lộ, song Samsung đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục đầu tưcần thiết để trong năm nay có thể khởi công xây dựng Trung tâm R&D tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), với dự kiến vốn đầu tư 300 triệu USD.

Với động thái này, nhà sản xuất thiết bị di động và điện tử gia dụng hàng đầu thế giới - Samsung Điện tử - đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của thị trường Việt Nam, nơi mà họ đang nỗ lực biến nơi này thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình. Không chỉ tập trung đầu tư cho sản xuất tại 3 khu tổ hợp tại Thái Nguyên, Bắc Ninh và tại TP.HCM, Samsung còn đầu tư lớn cho R&D.

Thông tin từ Samsung cho biết, kể từ khi thành lập (năm 2012) đến nay, Trung tâm R&D phần mềm Samsung Việt Nam (SVMC) đã tham gia thực hiện khoảng 360 dự án, trong đó có 40 giải pháp toàn cầu, số còn lại là các dự án phần mềm thương mại hóa do các kỹ sư của SVMC làm chủ.

Hiện SVMC đặt tại Tòa nhà PVI mà Samsung đi thuê. Một khi có “nhà mới”, quy mô của SVMC còn lớn hơn nữa, có thể sẽ không chỉ chiếm 10% thị phần phần mềm toàn cầu của Samsung như hiện nay. Chưa kể, khi Tổ hợp của Samsung ở TP.HCM đi vào hoạt động, với khả năng một trung tâm R&D về điện tử gia dụng được thiết lập trong tương lai, Việt Nam sẽ thực sự trở thành một trong những trung tâm R&D lớn của Samsung trên toàn cầu.

Thực tế, kể từ khi bắt đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã rất kỳ vọng vào việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới sẽ đầu tư lớn cho hoạt động R&D tại đây. Song, dù đang dần trở thành công xưởng của thế giới, với sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ từ Intel tới Samsung, LG, Microsoft…, nhưng Việt Nam chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư cho R&D.

Không nhiều nhà đầu tư nước ngoài dám làm như Samsung, hay như Bosch trong việc thành lập các trung tâm R&D để tận dụng thế mạnh nguồn lực trong nước và tiến tới những bước đầu tư dài hạn hơn. Bosch cũng đã thành lập Trung tâm R&D công nghệ và phần mềm tại TP.HCM vào năm 2010. Hiện có gần 900 nhân viên làm việc tại đây và dự kiến đến cuối năm 2016, con số này sẽ tăng lên 1.100 người.

Ngoài trung tâm này, Bosch còn thành lập một trung tâm R&D về kỹ thuật ô tô tại TP.HCM. Ngoài việc đưa ra các cải tiến công nghệ cho hai trong số các nhà máy sản xuất phụ tùng của Bosch tại Thái Lan và Đức, trung tâm này cũng đã bắt đầu hợp tác phát triển với những trung tâm tương tự của Bosch tại Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Séc.

Nếu như trước đây, trung tâm R&D của Bosch tại Việt Nam chỉ chuyên nghiên cứu phục vụ công việc nội bộ của Tập đoàn Bosch trên toàn cầu, thì từ đầu năm 2015 đã mở rộng hoạt động và có những khách hàng tiềm năng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đánh dấu một cột mốc phát triển mở rộng của Trung tâm.

Trong khi đó, hiện SVMC có khoảng 1.600 kỹ sư đang làm việc và theo kế hoạch, sẽ tăng lên 2.800 người vào năm 2018. Nếu tính cả số lượng kỹ sư và kỹ thuật viên đang tham gia công tác R&D tại 2 nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, thì con số này sẽ lên tới 4.600 người.

"Chúng tôi đủ trình độ để làm việc ở bất cứ trung tâm R&D chuyên nghiên cứu về phần mềm nào của Samsung"

Cũng cần nhắc lại một điều rằng, không chỉ Samsung và Bosch, mà HP, Panasonic, Intel và Microsoft cũng đều đã thực hiện các hoạt động R&D tại Việt Nam, song với quy mô nhỏ hơn. Kỳ vọng đặt ra là sẽ ngày càng nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư cho R&D tại Việt Nam.

“Việt Nam đã trở thành công xưởng lớn sản xuất thiết bị di động, tôi hy vọng trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành trung tâm thiết kế, trung tâm R&D của thế giới”, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia chia sẻ. Đây cũng là mong ước lớn của Việt Nam.

Ấn Độ, từ nhiều năm trước đây đã trở thành trung tâm R&D lớn của thế giới, với sự xuất hiện của Microsoft, IBM, Intel, Google, Adobe… Quốc gia này đã được biết đến như một “Thung lũng Silicon thứ hai” và giờ cũng đang trở thành một tâm điểm thu hút FDI tại khu vực châu Á, đồng thời đang nổi lên như là một đối thủ đáng gờm của Việt Nam trong cạnh tranh thu hút FDI. Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam có thể làm được và cạnh tranh được với Ấn Độ hay không?

Trở lại với câu chuyện của SVMC. Không nhiều người biết, các ứng dụng S Pen, S Note, Knox, Smart Switch… đều có dấu ấn của các kỹ sư Việt Nam tại SVMC. Điều đó chứng tỏ, nếu được đầu tư, trí tuệ Việt hoàn toàn có thể tỏa sáng, góp phần đưa Việt Nam tiến lên một bước phát triển cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Chúng tôi đủ trình độ để làm việc ở bất cứ trung tâm R&D chuyên nghiên cứu về phần mềm nào của Samsung”, ông Đỗ Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý dự án SVMC khẳng định.

Lý do cốt lõi để Ấn Độ trở thành trung tâm R&D thế giới là nguồn lực. Việt Nam cũng có những điều kiện đó, vậy tại sao không thể làm được? Điều quan trọng là cơ chế, chính sách của Chính phủ phải làm sao thu hút được đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia cho hoạt động R&D.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục