Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Thiếu tinh thần phản biện, dễ dẫn đến xuôi chiều

0:00 / 0:00
0:00

Việc tranh luận gay gắt khi xây dựng pháp luật là tín hiệu tốt trong công tác lập pháp, bởi nếu thiếu đi tinh thần phản biện đó thì dễ dẫn đến xuôi chiều trong xây dựng pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp. Ông Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp.

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, việc Quốc hội tranh luận gay gắt về tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ từ Luật Giao thông đường bộ để xây dựng luật riêng là tín hiệu tốt trong công tác lập pháp, bởi nếu thiếu đi tinh thần phản biện đó thì dễ dẫn đến xuôi chiều trong xây dựng pháp luật.

Thưa ông, các phiên thảo luận về xây dựng pháp luật trong hai ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV có thể nói là rất khác với thường lệ. Thay vì tập trung góp ý về chính sách cụ thể tại dự thảo, các đại biểu tranh luận gay gắt về việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ ra không, hay là có cần ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Một số ý kiến nói rõ rằng, việc ban đầu Chính phủ chỉ trình sửa Luật Giao thông đường bộ, sau đó lại tách làm đôi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trình Quốc hội cả hai là chưa đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Là người đứng đầu cơ quan chuyên môn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông có ý kiến thế nào?

Chúng tôi đã tiến hành rà soát quy trình và thấy việc trình Quốc hội cả hai luật là đúng quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng vấn đề đại biểu quan tâm nhiều nhất là tách hay không tách.

Về lý thuyết, có thể tách, song thực tế thì cần cân nhắc có nên hay không, bởi cần tính đến sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Rõ ràng khi tách ra thì xử lý điều này vô cùng khó khăn, trong áp dụng pháp luật, tìm hiểu, phổ biến pháp luật cũng có những hạn chế.

Một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu đề cập, đó là chỉ nói riêng trong lĩnh vực giao thông, có cả giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thuỷ nội địa. Nếu tư duy theo hướng này và nhìn rộng ra từ việc tách Luật Giao thông đường bộ, sẽ thấy bất hợp lý ở chỗ, không chỉ giao thông đường bộ, mà với bất cứ lĩnh vực quản lý nào cũng có một đạo luật quy định về quản lý vấn đề đó và luật thứ hai điều chỉnh trật tự, an toàn trong lĩnh vực đó, như thế rất không ổn.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, an toàn giao thông đường bộ là lĩnh vực gây bức xúc khi mỗi năm ở Việt Nam có hàng chục ngàn người chết. Như vậy có thể có ngoại lệ được không, thưa ông?

Nếu nói tách ra thành luật riêng để giảm thiểu tai nạn giao thông thì nghe khiên cưỡng. Vì muốn làm được điều này, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều vấn đề liên quan, từ hạ tầng kỹ thuật đến quản lý kinh tế, xã hội cho đến thể chế, tổ chức thi hành pháp luật... Chứ nói tách việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra để làm luật riêng mà giảm được tai nạn thì không thuyết phục.

Khi phát biểu, nhiều đại biểu cũng đã nhấn mạnh rằng, nếu mục tiêu chính là giảm tai nạn giao thông đường bộ thì cần xử lý hàng loạt vấn đề ở cả hai luật đã được tách, bao gồm cả giao thông tĩnh và động, xử lý cả hạ tầng và quy tắc giao thông, phương tiện tham gia giao thông, ý thức chấp hành pháp luật của cả chủ thể quản lý và người tham gia giao thông, chế tài xử lý vi phạm... và rất nhiều vấn đề khác nữa.

Nhìn xuyên suốt cả nhiệm kỳ, hình như chưa có dự án luật nào gây tranh luận gay gắt như thế, theo ông, nguyên nhân chính là gì?

Do nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây cũng xuất phát từ gốc của vấn đề là ngay trong Chính phủ, khi xác định thẩm quyền của các bộ, ngành, còn có những điểm giao thoa. Đúng ra, giao việc cho bộ nào là thẩm quyền của Chính phủ, về nguyên tắc điều đó có thể quyết ngay trong Chính phủ, chứ không cần đưa sang Quốc hội vì Luật Tổ chức Chính phủ quy định rõ bộ nào làm gì, nhiệm vụ nào là chủ trì, nhiệm vụ nào là phối hợp.

Tôi nhớ khi Quốc hội giám sát về cải cách hành chính, đã chỉ ra những vấn đề còn có chồng chéo, còn có giao thoa trong quản lý giữa các bộ, ngành, trong đó có việc bộ này đùn việc cho ngành kia, ngược lại có việc lại muốn thu về bộ, ngành mình. Đáng lẽ những việc như vậy ngay trong Chính phủ phải xử lý, chứ không nên đưa sang Quốc hội.

Ở các phiên thảo luận vừa qua, cũng không ít đại biểu cảnh báo về “quyền anh, quyền tôi” trong xây dựng luật? Đó phải chăng cũng là một nguyên nhân?

Trong xây dựng chính sách, đây là mâu thuẫn luôn tồn tại ở tất cả các nước và Việt Nam cũng vậy. Nếu như cơ chế kiểm soát không tốt, nhất là kiểm soát của Quốc hội thông qua hoạt động lập pháp không tốt, thì nguy cơ trên hoàn toàn có thể xảy ra.

Trước khi thảo luận tại hội trường, hai dự thảo luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ đã được thảo luận tại tổ. Khi đó, cả Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cơ quan giúp Quốc hội "gác cửa" về tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, cùng nhiều thành viên Ủy ban đã phân tích việc tách ra là không ổn. Thậm chí, có tổ khi thảo luận, gần như 100% ý kiến cho rằng, không thể tách và đề nghị xin ý kiến đại biểu trước khi đưa ra thảo luận tại hội trường. Vậy theo ông, có nên xin ý kiến ngay sau khi thảo luận tổ để Quốc hội đỡ mất thêm thời gian tranh luận tách hay không nữa?

Tôi đồng ý là không nên mất quá nhiều thời gian bàn thảo là tách hay không, mà nên tập trung vào những nội dung chính để làm sao nâng cao chất lượng chính sách và việc quy phạm hóa chính sách trong dự án luật. Còn thời điểm nào xin ý kiến đại biểu là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Theo ý kiến cá nhân tôi thì ngay sau phiên thảo luận toàn thể sáng 16/11, đã có thể xin ý kiến đại biểu, vì lúc đó có nhiều đại biểu đề nghị như vậy.

Cũng cần nói thêm là, việc tranh luận gay gắt khi xây dựng pháp luật như ở kỳ hop thứ 10 là tín hiệu tốt trong công tác lập pháp. Quốc hội thực sự tranh luận thẳng thắn, ý kiến khác nhau là rất bình thường, nếu thiếu đi tinh thần phản biện đó thì dễ dẫn đến xuôi chiều trong xây dựng pháp luật.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục