Đã đến giai đoạn phải thay đổi, bắt buộc thay đổi, thay đổi nhanh thì mới thích ứng, tồn tại và phát triển được trong thời gian tới, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh thông điệp khi tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, sáng 5/12.
Đây là sự kiện do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.
Ông Tuấn là một trong các diễn giả đăng đàn tại Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”.
Nêu con số so sánh GDP 3 quý của các năm gần đây, thì năm 2021 là thấp nhất, và so sánh cả giai đoạn 35 năm đổi mới, tác động của dịch bệnh Covid-19 làm cho nền kinh tế Việt Nam tăng ở mức thấp nhất kể cả so với hai cuộc khủng hoảng năm 1997 và năm 2008, ông Tuấn nhấn mạnh khủng hoảng không xuất phát từ nguyên nhân phi kinh tế đôi khi còn trầm trọng hơn cả xuất phát từ nguyên nhân kinh tế.
Theo vị chuyên gia này thì dù kinh tế có dấu hiệu phục hồi (so với tháng trước) như số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, lao động phục hồi, xuất nhập khẩu cũng tăng, FDI cũng có thể nói là tốt..., nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn, tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh vẫn tăng và số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể vẫn tăng 3,8%. Bên cạnh đó thì việc đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là thách thức rất lớn.
Chưa kể là doanh nghiệp đang thiếu tín dụng trầm trọng, "doanhh nghiệp thiếu máu, cần phải bơm máu", ông Tuấn nhìn nhận.
Cho rằng, Việt Nam đang ở vùng trũng của tăng trưởng, ông Tuấn đặt vấn đề phải chăng do hỗ trợ chưa đủ, đầu tư cho động lực tăng trưởng chưa đủ. Nên tới đây gói hỗ trợ cần đủ quy mô, đủ cấp thiết, nhanh nhạy đi thẳng vào nền kinh tế, Viện trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh vùng trũng của sự can thiệp vào nền kinh tế, ông Tuấn còn nêu những khó khăn về dài hạn, như hệ số ICOR, năng suất lao động cũng vẫn là vùng trũng, đặc biệt là thách thức về bứt phá thông qua chuyển đổi số mới dừng ở chủ trương, rồi nguồn lực, thu hút tài năng cũng đang còn rất nhiều vấn đề.
Thách thức nữa được ông Tuấn đề cập là năng suất lao động đang rất thấp so với các nước trong khu vực, mà trong cuộc đua đường trường, ăn nhau ở năng suất.
Tiếp đến, so sánh năng lực cạnh tranh thì Việt Nam cũng đã có sự cải thiện, nhưng thể chế không cải thiện được nhiều, vẫn xếp hạng thứ 89, thị trường lao động thì tụt hậu,.
Tỷ lệ đầu tư từ ngân sách cho khoa học công nghệ lại giảm, các nước thì có xu hướng phải tăng, đầu từ từ ngân sách cũng giảm, năm 2021 so với năm 2012 là giữ nguyên thì không thể nói là dựa vào đổi mới sáng tạo được, chuyên gia Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh và cho rằng, chúng ta gặp nhiều thách thức nếu muốn đổi mới công nghệ và sáng tạo.
Khẳng định Việt Nam đang lệch nhịp về tăng trưởng, ông Tuấn cho rằng, nếu xác định nguyên nhân là y tế, là can thiệp chưa đủ thì gói hỗ trợ phải ra sao, yêu cầu quy mô thế nào.
"Chúng tôi tính toán cần từ 6 – 8% GDP và trực tiếp chi cho y tế, người lao động, chú trọng cho cả cung và cầu, cho các động lực tăng trưởng", ông Tuấn phát biểu.
Về giải pháp, theo ông Tuấn, chính sách tiền tệ phải giảm mặt bằng lãi suất, tăng cung tiền hợp lý. Còn về chính sách tài khoá thì cần tập trung chi tiêu cho các mục tiêu y tế, nhà ở xã hội, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giãn, hoãn thuế phí, đẩy mạnh đầu tư công, ưu tiên các dự án có thể hấp thụ vốn… Đặc biệt chú ý tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Đầu tư bằng vật chất, nguồn lực, đổi mới sáng tạo cho các nhà khoa học nghiên cứu.
Ngoài ra cần tăng cường phối hợp, kết nối chủ thể trong và ngoài nước đào tạo nhân lực có kỹ năng kết nối nhân tài, tinh hoa ...
Đã đến giai đoạn phải thay đổi, bắt buộc thay đổi, thay đổi nhanh thì mới thích ứng được trong thời gian tới, Viện trưởng Tuấn nhấn mạnh thông điệp này khi kết thúc tham luận.
Sẵn sàng cho sự thay đổi, thích ứng tốt hơn cũng là thông điệp được TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh khi tham gia bình luận về xu hướng kinh doanh.
Doanh nghiệp Việt Nam không ngại thay đổi, Covid-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự nâng cấp mình, ông Tuấn nhìn nhận.
Diễn đàn sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 5/12 với hai phiên chuyên đề vào buổi chiều về “phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, chuyên đề 2 về “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.