Theo Quyết định số 07/QĐ-VC3-KDTM của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM (VKS) về việc bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm, đại diện VKS cho rằng, Grab là đơn vị vận chuyển hành khách được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cho phép theo quy định của pháp luật trên cơ sở Đề án 24 của Bộ GTVT do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Do vậy, bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86/2014/CP của Chính phủ là không có cơ sở.
Về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun, VKS cho rằng, bản án sơ thẩm căn cứ vào Chứng thư giám định của Công ty Giám định Cửu Long kết luận Grab gây thiệt hại cho Vinasun, từ đó, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun là không có cơ sở, phiến diện.
Thực chất, sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Vinasun (nếu có) liên quan đến nhiều yếu tố khách quan, chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình vận tải... Tức không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật với thiệt hại xảy ra.
Do đó, theo VKS, bản án sơ thẩm buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun là không có căn cứ.
VKS cũng cho rằng, sự tồn tại của Grab là phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước hiện nay. Quy luật của nền kinh tế thị trường, ai không thích nghi được tất yếu sẽ bị đào thải.
Grab và các doanh nghiệp, hợp tác xã có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm. Do đó, nếu có vấn đề gì xảy ra thì Grab phải chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải với Vinasun.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vụ kiện này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho biết, trước khi xảy ra vụ kiện, Hiệp hội taxi TP.HCM đã có văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ liên quan đến hoạt động thí điểm Hợp đồng điện tử (Quyết định 24).
Trả lời những kiến nghị này, Bộ GTVT khẳng định rõ việc xây dựng, ban hành và triển khai Quyết định 24 kèm theo Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng là hoàn toàn phù hợp với quy định và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015.
Grab và các doanh nghiệp, hợp tác xã có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm. Do đó, nếu có vấn đề gì xảy ra thì Grab phải chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải với Vinasun.
“Bộ GTVT đã có rất nhiều văn bản làm rõ đây là loại hình vận tải khách theo hợp đồng, được các Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng, thực hiện vận chuyển khách theo hợp đồng, đáp ứng đúng quy định của Nghị định 86 và Thông tư 63 đối với xe hợp đồng”, Luật sư Hậu nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm, đây là vụ kiện đầu tiền trên thế giới giữa 2 công ty đều là taxi, nên trong việc này phải có sự cạnh tranh lành mạnh.
Cơ quan tư pháp làm nhiệm vụ xét xử thì phải có sự phối hợp với cơ quan hành pháp, xin ý kiến của Bộ GTVT và cần thiết thì phải triệu tập đại diện Bộ GTVT để làm rõ việc qua quá trình thực hiện đề án này... Nếu chỉ căn cứ vào những yếu tố do công ty giám định cung cấp mà xử thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu và sẽ xuất hiện tình trạng phân biệt đối xử.
“Có một điểm cần lưu ý rằng, đây là nhà đầu tư nước ngoài, mình phài làm sao để cho người ta tin tưởng về môi trường đầu tư, đặc biệt là về pháp lý. Nếu làm không khéo thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư của Việt Nam”, Luật sư Hậu nói.
Như tin đã đưa, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) khởi kiện Công ty TNHH Grab (Grab) với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận sút hơn 41,2 tỷ đồng.
Ngày 28/12/2018, Tòa án Nhân dân TPHCM không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, mà chỉ chấp nhận một phần, buộc Grab bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỷ đồng.