Việc thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và khoa học Nghị quyết 68 cần được thực thi một cách bài bản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự bảo vệ ngược của thể chế trước đây mất đi doanh nghiệp sẽ đối mặt nguy cơ dễ bị tổn thương trong thời gian tới. Nếu không chủ động cải cách, thay đổi, nâng cao năng lực, doanh nghiệp sẽ bị đào thải.
Việc thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và khoa học Nghị quyết 68 cần được thực thi một cách bài bản

Tại Hội thảo Khoa học “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế” do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, với sự ưu đãi, khuyến khích dành cho khối FDI trong vài thập kỷ qua, khối kinh tế tư nhân trong nước đang bị mất sức cạnh tranh. Do vậy, nguy cơ doanh nghiệp tư nhân đánh mất mình ngay trên sân nhà hiện rõ, dù vẫn đang đóng góp đến gần 60% vào GDP, so với mức trên dưới 20% của khối FDI.

“FDI hiện đang chiếm đến 2/3 tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện tập trung vào giai đoạn gia công, lắp ráp mang lại giá trị gia tăng thấp, ưu tiên khai thác nguồn lao động giá rẻ hơn là mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi tại Việt Nam. Ngược lại, khối tư nhân còn tiềm năng dồi dào, dư địa phát triển rất lớn, từ các doanh nghiệp lớn, đến nhóm vừa và nhỏ”, bà Nga cho biết.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG

Ông Nguyễn Quang Thuân, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Fiingroup, Chủ tịch HĐQT Công ty xếp hạng đánh giá tín nhiệm FiinRatings cho biết, Việt Nam có khoảng 25.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối mặt nhiều khó khăn là cụm từ được đề cập nhiều khi nói đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Minh chứng phần nào, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những năm qua, VCCI tiến hành điều tra 14.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố. Theo đó, năm vừa qua có câu hỏi doanh nghiệp về việc thực hiện các quy trình đầu tư đất đai hay không? Câu trả lời là, 74% doanh nghiệp cho rằng họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kinh tế tư nhân do gặp khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; 67% doanh nghiệp cho rằng thời gian giải quyết dài hơn so với quy định.

“Rõ ràng đang có vấn đề doanh nghiệp rất muốn đầu tư nhưng quy trình thủ tục lâu quá. Vấn đề cấp thiết nhất hiện tại làm sao thủ tục rút ngắn, để vốn vào nền kinh tế nhanh nhất”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, có hay không có Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải dựa vào sự phát triển của khu vực tư nhân là chủ yếu. “Nhưng, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân ra đời sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển tốt hơn. Đây là bước đi đúng hướng. Một định hướng rất quan trọng cho Việt Nam”, ông Hùng nói.

Phân tích cụ thể hơn, ông Hùng cho biết, Nghị quyết số 68 thể hiện tương đối rõ, nhận thức doanh nghiệp tư nhân, kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế - xã hội dù rằng chưa thể hiện rõ được động lực của kinh tế tư nhân là những điểm nào.

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh: “Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân - khu vực từng phải đối mặt với nhiều băn khoăn, nghi ngại - được đặt vào vị trí trung tâm của nền công vụ kiến tạo, phục vụ. Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân được trao trọng trách là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”.

Bà Nga cũng cho rằng, việc thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và khoa học Nghị quyết 68 vẫn cần được thực thi một cách bài bản, là yếu tố cốt lõi để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống. Điều này sẽ giúp các doanh nhân yên tâm đầu tư phát triển kinh doanh, làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước để xứng đáng với sứ mạng là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, bản thân Nghị quyết không thể tự thành công được, mà phải được thực thi một cách quyết liệt, sớm và mạnh mẽ. Để thực thi Nghị quyết đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ và song hành của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng cần chú ý, Nghị quyết không phải là "bữa trưa miễn phí". Trước đây, thủ tục phức tạp phần nào cũng là cái khiên bảo vệ doanh nghiệp khỏi sự cạnh tranh, nhưng khi cải cách thủ tục trở nên đơn giản, nhà đầu tư trẻ có năng lực sẽ gia nhập thị trường, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn.

“Hay nói cách khác, sự bảo vệ ngược của thể chế trước đây mất đi doanh nghiệp sẽ đối mặt nguy cơ dễ bị tổn thương nếu không chủ động cải cách, thay đổi, nâng cao năng lực sẽ bị đào thải”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ở góc độ chính sách, ông Hùng cho rằng, động lực để phát triển kinh tế tư nhân bao gồm môi trường kinh tế phải có sự cạnh tranh lành mạnh và các loại hình thị trường phải được phát triển đầy đủ.

“Khu vực kinh tế tư nhân cần chính sách rõ ràng, minh bạch; môi trường ổn định và mang tính dự báo; đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh. Cần giảm các điều kiện để khu vực tư nhân thâm nhập thị trường. Muốn vậy, cần có cơ chế chống độc quyền, chống gian lận thương mại... trong khi những vấn đề này hiện nay ở Việt Nam còn khá yếu”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Cũng theo ông Hùng, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn “go global” (vươn ra toàn cầu) thì luật pháp Việt Nam cũng phải “go global” - chơi cùng luật với thế giới. Doanh nghiệp không thể chơi một mình theo luật riêng khi bước ra thế giới.

“Kinh nghiệm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007 cho thấy, dẫu chúng ta cũng có nhiều lo lắng nhưng sau đó là giai đoạn phát triển vượt bậc. Rõ ràng, việc hội nhập luật lệ quốc tế là điều cần thiết. Doanh nghiệp Việt Nam rất năng động và hoàn toàn có thể thích nghi với môi trường mới, nếu có đủ thời gian và định hướng cụ thể”, ông Hùng nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục