Việc tăng lãi suất mạnh sẽ không hỗ trợ được đồng euro khi cú sốc năng lượng ngày càng sâu sắc

(ĐTCK) Tác động của nền kinh tế EU và đồng euro từ cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc đang nghiêm trọng đến mức khiến việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng hơn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không thể ngăn chặn đà trượt giá của đồng euro.

Hôm thứ Hai (5/9), đồng euro đã giảm xuống dưới 0,99 USD lần đầu tiên kể từ cuối năm 2002 sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua đường ống chính tới châu Âu, khiến giá năng lượng tăng vọt và làm gia tăng lo ngại về sự suy giảm nguồn cung.

Đồng euro suy yếu sẽ là tiền đề và trung tâm cho cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào thứ Năm (8/9) vì đồng euro yếu (giảm 13% vào năm 2022) có thể khiến lạm phát vốn đã cao kỷ lục trở nên tồi tệ hơn thông qua hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn.

Một số nhà hoạch định chính sách đã nói rằng ngân hàng trung ương phải quan tâm nhiều hơn đến đồng euro so với thời kỳ suy yếu trước đó, bởi vì khí đốt được định giá bằng đô la và đồng euro yếu sẽ khuếch đại tác động của chi phí năng lượng tăng cao.

Thị trường tiền tệ định giá 80% khả năng lãi suất cơ bản tăng lên 75 điểm cơ bản trong tuần này, nhưng các nhà phân tích cho rằng điều đó sẽ không thể giúp ích nhiều cho đồng tiền euro.

Agnès Belaisch, chiến lược gia tại Viện Đầu tư Barings cho biết: "Đợt tăng lãi suất lớn này sẽ không làm gì để giải cứu đồng euro. Một cuộc suy thoái đang ở phía trước và những lo ngại về địa chính trị là không thể kiểm soát”.

Goldman Sachs mới đây đã dự báo đồng euro sẽ suy yếu xuống còn 0,97 USD và duy trì quanh mức đó trong 6 tháng tới vì sự phá hủy nhu cầu, gây ra bởi cuộc khủng hoảng khí đốt dẫn đến "sự thu hẹp sâu hơn và dài hơn”.

Trong khi đó, Capital Economics đã điều chỉnh dự báo đối với đồng euro xuống 0,9 USD cho năm tới - giảm 9% so với mức hiện tại.

Đồng euro đã có mối tương quan âm với giá khí đốt trong nhiều tháng và có xu hướng giảm khi giá năng lượng tăng, trong khi đó giá khí đốt đã tăng 255% vào năm 2022.

Khu vực đồng euro gần như chắc chắn đang bước vào một cuộc suy thoái, với hoạt động kinh doanh giảm tiếp tục sụt giảm trong tháng 8 sau khi đã sụt giảm trong tháng 7. Cú sốc năng lượng đang gây ra thiệt hại sâu sắc, trong khi các nhà đầu cơ đã đặt cược vào khả năng giảm giá của đồng euro.

UniCredit ước tính rằng trong 5 năm trước đại dịch Covid-19, EU đã nhập khẩu dầu và khí đốt trị giá khoảng 400 tỷ euro mỗi năm.

Theo tính toán của UniCredit, nếu giá dầu giữ ở mức 100 USD/thùng, đồng euro ngang giá và giá khí đốt tự nhiên ở mức 100 euro/MWh - cao hơn 5 lần so với mức trung bình của 5 năm qua - chi phí sẽ tăng lên 600 tỷ euro, tương đương 6% GDP.

"Câu chuyện về khu vực đồng euro đang thay đổi. Vài tháng trước là sẽ không có suy thoái, gần đây lại chuyển sang sẽ có suy thoái nhưng là suy thoái nông. Tuy nhiên, vào cuối tuần qua câu chuyện lại chuyển sang đang hướng tới suy thoái sâu và đồng euro sẽ giảm nhiều hơn nữa", Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết.

Các nhà kinh tế cho rằng nỗi đau kinh tế sẽ còn nghiêm trọng hơn dự đoán chỉ vài tháng trước. Tuy nhiên, một số người cho rằng ECB ít nhất có thể ngăn chặn sự mất giá của đồng euro với các đợt tăng lãi suất lớn trong những tháng tới.

George Saravelos, Trưởng bộ phận nghiên cứu FX toàn cầu tại Deutsche Bank cho biết: “ECB có thể giúp làm chậm sự suy yếu của đồng euro nhưng không rõ là nó có thể dẫn đến sự tăng giá bền vững của đồng euro hay không”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục