Chiều ngày 7/5, Tập đoàn Masan tổ chức buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư để thảo luận về kết quả kinh doanh quý I/2024, đồng thời chia sẻ về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới.
Kết thúc quý đầu năm 2024, Tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu tăng nhẹ 0,8%, lên 18.855 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 9,5%, lên 479 tỷ đồng. Trong đó, EBITDA đạt 3.283 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, Masan Consumer Holdings ghi nhận doanh thu tăng 7,4% và biên lợi nhuận gộp tiếp tục tăng thêm 4%, lên 45,9%; WinCommerce ghi nhận doanh thu tăng 8,5%, lên 7.957 tỷ đồng; Masan MEATLife ghi nhận doanh thu tăng 7,5%,lên 1.720 tỷ đồng, đà tăng nhờ đóng góp ngày càng tăng từ phân khúc thịt lợn có thương hiệu, và giá thịt lợn, thịt gia cầm đều tăng cao…
Đối với The CrownX (hợp nhất Masan Consumer Holdings và WinCommerce), nền tảng tiêu dùng bán lẻ của Masan ghi nhận doanh thu tăng 6,4% so với cùng kỳ, lên 14.152 tỷ đồng và EBITDA hợp nhất 1.950 tỷ đồng, tăng 27,6%.
Riêng trong quý I/2024, 40 siêu thị mini (WinMart+ hoặc WMP) đã được mở mới, nâng tổng số cửa hàng toàn quốc lên 3.667 cửa hàng. Trong đó, cửa hàng Win với định hướng “Point of Life” tập trung vào người tiêu dùng thành thị đạt mức tăng trưởng LFL 7,3% và tỷ lệ thâm nhập của thực phẩm tươi đạt 30,2%; cửa hàng WinMart+Rural với định hướng tập trung vào việc cung cấp nhiều loại sản phẩm giá rẻ chất lượng, đạt được mức tăng trưởng LFL là 11,2% (LFL đề cập đến nhóm cửa hàng của WinCommerce được mở trước năm 2023 và vẫn đang hoạt động).
Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan chia sẻ thêm: “Về WinCommerce, như mọi người đã thấy trong những năm hậu Covid, sự suy thoái của nền kinh tế trong nước và quốc tế, căng thẳng địa chính trị, ảnh hưởng của lãi suất cao hơn đã dẫn tới tiêu dùng trong nước sụt giảm, kéo theo sự tăng tốc của thương mại hiện đại chậm hơn. Chúng tôi đang nỗ lực đổi mới sáng tạo mô hình chuỗi cung ứng cũng như hệ thống khách hàng thành viên, do đó có thể cần khoảng 2 - 3 năm nữa để có thể phản ánh tất cả những nỗ lực đổi mới chiến lược của chúng tôi”.
Tập đoàn Masan cho biết, đà tăng doanh thu trong quý đầu năm 2024 chủ yếu nhờ đóng góp của mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ để bù đắp sự sụt giảm của doanh thu Masan High-Tech Materials (MHT).
Tỷ lệ nợ ròng/EBITDA còn 3,7X sau thương vụ Bain Capital đầu tư 250 triệu USD vào Masan
Điểm đáng lưu ý, lãnh đạo Tập đoàn Masan chia sẻ, ngày 22/4, Tập đoàn đã hoàn tất thành công huy động 250 triệu USD từ Bain Capital, khoản huy động mới giúp Tập đoàn nâng lượng tiền mặt tăng thêm 6.228 tỷ đồng, tỷ lệ nợ ròng/EBITDA giảm về mức 3,7x (thời điểm cuối quý I/2024 là 4,2x).
Thêm nữa, tại thời điểm cuối năm 2023, Tập đoàn Masan đã phòng ngừa 100% rủi ro nợ dài hàng bằng đồng USD với các điều khoản hợp lý, phù hợp với chính sách quản lý rủi ro của Công ty. Do đó, việc đồng USD tăng giá gần đây không gây ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận hợp nhất.
Bên cạnh việc chia sẻ về kết quả kinh doanh quý đầu năm, Ban lãnh đạo Tập đoàn Masan một lần nữa chia sẻ về thông tin IPO Masan Consumer.
"Như chúng tôi đã công bố kế hoạch trong Đại hội đồng cổ đông 2024, một trong những kế hoạch tài trợ vốn là thông qua CrownX. Chúng tôi thấy rằng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm trong vòng 6 - 7 năm qua của Masan Consumer thì đã đến lúc phải xem xét thực hiện kế hoạch IPO tiềm năng", ông Danny Le nhấn mạnh.
Về việc tái định giá Tập đoàn Masan thông qua niêm yết Masan Consumer, ông Danny Le nói thêm: “Hiện tôi có thể nói dựa trên ước tính của chúng tôi rằng việc IPO Masan Consumer là Top 2 vấn đề hàng đầu của Masan Consumer. Trên UPCoM, cổ phiếu MCH hiện đang giao dịch ở dưới giá trị nội tại. Do đó, tôi cho rằng việc IPO Masan Consumer sẽ giúp nâng định giá của các cổ phiếu Masan”.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT đã tiết lộ thông tin trong năm nay, Masan sẽ cân nhắc IPO Masan Consumer trong rất nhiều các lựa chọn khác bao gồm cả huy động vốn: “Masan Consumer - Viên kim cương gia bảo của Masan là niềm tự hào, mang đậm, thấm và nguyên tắc với những giây phút trăn trở, đam mê và ngọt ngào trong những giây phút phụng sự người tiêu dùng. Đó còn là đại sứ ẩm thực Việt Nam nâng hành trình đi ra thế giới của Masan, một lần nữa cùng với người tiêu dùng Việt Nam tìm cách đi những bước vững chắc trong hành trình mang ẩm thực Việt Nam ra 8 tỷ người tiêu dùng thế giới với các nhãn hiệu mạnh”.
|
Masan Consumer đang sở hữu 5 thương hiệu với doanh thu trên 2.000 tỷ đồng/năm |
Theo tìm hiểu, các thương hiệu chủ chốt của Masan Consumer gồm Chin-Su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Wake-Up Cà Phê, Wake-Up 247, Vĩnh Hảo, Vivant, Lemona, Quang Hanh, Joins… Trong đó, tính tới cuối năm 2023, Masan Consumer sở hữu 5 thương hiệu với doanh thu trên 2.000 tỷ đồng bao gồm Chin-Su, Nam Ngư, Kokomi, Omachi và Wake-Up 247, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu Công ty.
Masan Consumer đã tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần thị trường chung trong giai đoạn 2017-2023, đặt mục tiêu tăng trưởng hơn nữa thị trường mục tiêu bằng việc tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà và thay thế bữa ăn tại nhà hàng.
Bên cạnh thị trường nội địa, theo chiến lược "Go Global", Tập đoàn đặt mục tiêu đưa thương hiệu ra thế giới với Masan Consumer hướng đến 10-20% doanh thu từ thị trường toàn cầu.