Việc hạn chế làm thêm giờ của Việt Nam tương đối khắt khe

(ĐTCK) So với các nước trong khu vực Châu Á, việc hạn chế làm thêm giờ trong Luật Lao động hiện hành của Việt Nam là tương đối khắt khe, đồng thời là gánh nặng đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam chỉ đứng thứ hai trong khu vực, sau Thái Lan

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2014 diễn ra sáng nay 2/12 tại Hà Nội, ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Ủy ban Diễn đàn Kinh doanh, đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho biết tính lũy kế đến tháng 10/2014, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản vào Việt Nam đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt là 36,5 tỷ USD, đứng thứ nhất trong các nước và vùng lãnh thổ.

Theo Hiệp hội này, số lượng dự án đầu tư và tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản liên tục tăng trong 3 năm qua. Số lượng các công ty thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản ở cả 3 miền tại Việt Nam tính đến tháng 10/2014 là 1.406 công ty, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN về số lượng doanh nghiệpNhật đầu tư, chỉ sau Thái Lan.

Để tăng cường hơn nữa thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới, ông Tokuyama đề xuất 4 chính sách quan trọng liên quan việc xúc tiến thu hút đầu tư đối với các DN Nhật Bản, đồng thời bày tỏ mong muốn phía Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác, nỗ lực để xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

4 nội dung đề xuất bao gồm tiếp tục cải thiện sửa đổi một số quy định còn bất hợp lý trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, cho phép tăng thời gian làm thêm giờ, xây dựng cơ chế khách quan để quy định mức lương tối thiểu và Phát triển công nghiệp hỗ trợ để làm nền tảng cho phát triển công nghiệp.

Về vấn đề sửa đổi luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, theo ông Tokuyama, việc sửa đổi và cải thiện hai Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư đã phần nào tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hai Luật trên vẫn còn những nội dung cần tiếp tục xem xét và sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư như các quy định về giải quyết tranh chấp và chứng nhận đầu tư, vốn sử dụng để thanh toán trong việc mua bán cổ phiếu. Đồng thời giữ quy định bảo đảm ngoại tệ cho các dự án đầu tư trong khuôn khổ chương trình đầu tư của Chính phủ và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ như trong Luật đầu tư hiện hành, giữ nguyên thời gian ân hạn cho việc góp vốn là trong vòng 3 năm đối với các dự án lớn như các dự án về cơ sở hạ tầng, cần số vốn lớn từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD.

Khắt khe 

Liên quan vấn đề hạn chế về làm thêm giờ trong Luật Lao động, theo JBAV, so với các nước trong khu vực Châu Á, việc hạn chế làm thêm giờ trong Luật Lao động hiện hành của Việt Nam là tương đối khắt khe, đồng thời là gánh nặng đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

JBAV đề xuất phương án khắc phục khả thi là cho phép tăng thời gian làm thêm giờ thông qua việc ký “Thỏa ước lao động” giữa người sử dụng lao động và người lao động, coi đây cách thức nhanh chóng giải quyết được vấn đề mà không cần can thiệp đến Bộ Luật lao động sửa đổi.

Cũng theo JBAV, tình trạng mức lương tối thiểu liên tục tăng vượt xa chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2011 là một điều bất lợi đối với môi trường đầu tư. Hiệp hội khuyến nghị Hội đồng Tiền lương Quốc gia bổ sung bên thứ ba bao gồm những người có thể đưa ra ý kiến độc lập và khách quan như luật sư hay giáo sư, và chi phí sinh hoạt thực tế của người lao động mà Hội đồng đề cập đến cần được điều tra một cách khách quan.

Bên cạnh đó, ông Shimon Tokuyama cũng cho rằng, để chuẩn bị cho Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) đang đến gần, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cần được đẩy mạnh. Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ đang được Bộ Công thương nghiên cứu cần có tính thiết thực và nhất quán. Đặc biệt, một định nghĩa rõ ràng về “công nghiệp hỗ trợ” cần được đưa ra, quy trình hướng dẫn sàng lọc hồ sơ cho các ưu đãi thuế cần được xây dựng, việc áp dụng các hướng dẫn này cần đi kèm với các thủ tục đã được đơn giản hóa.  

Đồng thời, để phát triển tổng thể công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam cần phải ưu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ có triển vọng ở địa phương. Các chính sách mới hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ hiệu quả, thiết thực hơn cần được ban hành, cụ thể như cho vay lãi suất thấp và ưu đãi thuế.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục