Việc giải ngân các khoản đầu tư mới vào bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ chậm lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thông tin Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong ngắn hạn, quá trình ra quyết định của các nhà sản xuất đang xem xét chuyển dịch sang Việt Nam sẽ chậm lại do những bất ổn mà tình hình hiện tại gây ra. Điều này có thể tạm thời ảnh hưởng đến việc giải ngân các khoản đầu tư mới vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Ông Adam Robinson Fowler phát biểu tại một sự kiện Ông Adam Robinson Fowler phát biểu tại một sự kiện

Đây là quan điểm của ông Adam Robinson Fowler, chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư bất động sản và phát triển đô thị tại Việt Nam chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Ông Adam Robinson Fowler hiện là Phó Chủ tịch Urban Land Institute (ULI) tại Việt Nam. Các ý kiến dưới đây phản ánh quan điểm chuyên môn của các nhân ông, không đại diện cho lập trường chính thức của ULI.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều lo ngại nhất khi Mỹ tuyên bố áp thuế mạnh vào Việt Nam không phải là tăng trưởng xuất khẩu, mà là ảnh hưởng đến dòng chảy của vốn đầu tư FDI. Ông đánh giá như thế nào về tác động tới FDI vào Việt Nam sau thông tin áp thuế?

Phái đoàn từ Việt Nam đang tới Mỹ để đàm phám. Theo đó, điều quan trọng các thành viên thị trường cần lưu ý là tình hình vẫn đang tiếp tục diễn biến. Vào thời điểm hiện tại rất khó để dự đoán chính xác các thỏa thuận chính sách cuối cùng giữa Mỹ và Việt Nam sẽ như thế nào, nhưng nhiều khả năng chúng sẽ khác với những gì đã được công bố trong tuần qua.

Nói chung, việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có thể ảnh hưởng nghiêm trọng và tiêu cực đến sức hấp dẫn của Việt Nam đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, tùy thuộc vào vị thế tương đối mới của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh. Cần nhớ rằng, tính cạnh tranh về chi phí nhờ vào các hiệp định thương mại tự do là một yếu tố then chốt thúc đẩy đầu tư vào các ngành sản xuất của Việt Nam trong những năm qua.

Nếu dòng vốn FDI chịu tác động, thì lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, vốn được đánh giá cao trong thời gian gần đây sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào? Liệu có hệ quả lan tỏa tới toàn bộ thị trường bất động sản?

Lĩnh vực bất động sản công nghiệp đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ vào làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sang Việt Nam. Vị thế chiến lược này có ý nghĩa then chốt đối với tham vọng của Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 1/4 GDP của Việt Nam, trong đó phần lớn là các sản phẩm sản xuất. Nếu các chính sách thương mại đang thay đổi khiến Việt Nam kém cạnh tranh hơn về chi phí, điều này chắc chắn sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng của ngành bất động sản công nghiệp.

Một cách gián tiếp, bất động sản thương mại và nhà ở cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng ở mức độ nhẹ hơn, do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ giảm tốc độ mở rộng tại thị trường Việt Nam.

Đâu là những kịch bản đặt ra với thị trường bất động sản Việt Nam sau cú sốc từ chính sách thuế của Mỹ?

Hiện vẫn còn nhiều yếu tố chưa chắc chắn, vì vậy rất khó để dự đoán các kịch bản cụ thể. Dù bằng cách nào đi nữa, Việt Nam cần tìm kiếm các giải pháp để duy trì vị thế của mình như một nhân tố ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Song song với quá trình tăng trưởng này, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển và duy trì hiệu suất tích cực.

Các doanh nghiệp bất động sản cần ứng phó như thế nào với những diễn biến mới trên thị trường?

Với sự kiên nhẫn và tầm nhìn dài hạn, ngành bất động sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng to lớn chưa được khai thác hết. Tôi tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì sức hấp dẫn của mình như một điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn.

Ông có thể dự báo những xu hướng mới của thị trường sau những diễn biến mới về chính sách thuế và dòng vốn đầu tư toàn cầu?

Trong ngắn hạn, chúng ta có thể sẽ chứng kiến quá trình ra quyết định của các nhà sản xuất đang xem xét chuyển dịch sang Việt Nam chậm lại do những bất ổn mà tình hình hiện tại gây ra. Điều này có thể tạm thời ảnh hưởng đến việc giải ngân các khoản đầu tư mới vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi bức tranh thương mại toàn cầu trở nên rõ ràng hơn, những thách thức này sẽ dần được tháo gỡ.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục