Việc chia thưởng phải xuất phát từ hiệu quả hoạt động kinh doanh

(ĐTCK-online) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gây xôn xao dư luận khi đồng thời đề nghị tăng giá điện và sử dụng 1.002 tỷ đồng "tiền nhà nước" để chia thưởng cho người lao động trong Tập đoàn. Trên TTCK, những DN kiểu EVN không hiếm khi hiệu quả hoạt động có phần giảm sút, nhưng khoản trích quỹ khen thưởng, phúc lợi vẫn rất lớn. Bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền đã chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Ông Hà Văn Hiền. Ông Hà Văn Hiền.

Ông nghĩ sao về việc EVN đề nghị tăng giá điện và sử dụng 1.002 tỷ đồng để chia thưởng cho người lao động?

Tôi cũng mới được biết tin này, nhưng chắc chắn tôi sẽ thống nhất quan điểm với Uỷ ban Kinh tế và sớm có ý kiến cụ thể. Trước sự việc này, Uỷ ban Kinh tế sẽ kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh của  ngành điện để chỉ rõ nguyên nhân vì sao trong những năm vừa qua cả xã hội vẫn nằm trong tình trạng thiếu điện, trong khi các dự án của ngành điện liên tục được đầu tư. Hiện tại, tỷ trọng thuỷ điện rất lớn trong tổng sản lượng điện, nói thật tôi không hiểu vì sao năm lũ lụt nước về các hồ chứa nước nhiều vẫn thiếu điện, năm hạn hán cũng thiếu điện.

Trong bối cảnh hiện nay, việc EVN đề xuất sử dụng 1.002 tỷ đồng để thưởng cho người lao động gây nên sự phản cảm trong xã hội. Theo tôi, EVN phải xem xét lại đề xuất này. Chính phủ phải sớm có ý kiến cụ thể. Trách nhiệm của DN là phải chăm lo đời sống cho người lao động, nhưng việc sử dụng bao nhiêu tiền để chia thưởng phải xuất phát từ hiệu quả sản xuất - kinh doanh của bản thân DN. Trong khi chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao chưa hoàn thành, mà lại sử dụng số tiền quá lớn để chia thưởng chắc chắn sẽ gây ra sự phản cảm của người dân với EVN.

Nếu là Tổng giám đốc EVN, ông sẽ làm gì với số tiền kể trên?

Nếu có hơn 1.000 tỷ đồng, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là tập trung đầu tư để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Ngành điện cần nguồn vốn đầu tư rất lớn nên số tiền trên chưa thấm vào đâu, để bảo đảm đủ vốn, EVN phải huy động mọi nguồn vốn trong xã hội, trong đó có việc phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá. Nhiệm vụ cổ phần hoá của EVN có thể nói là rất nặng nề. Theo số liệu của Bộ Tài chính thì tính đến ngày 1/1/2008, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 còn 280 DN 100% vốn nhà nước và theo lộ trình thì đến năm 2010, các đơn vị này phải cổ phần hoá 157 DN thành viên. Trong đó, riêng EVN hiện còn 25 DN thành viên 100% vốn nhà nước và theo lộ trình thì đến năm 2010, EVN phải cổ phần hoá 24 DN thành viên.

Cũng do thiếu vốn đầu tư, nên EVN đã trả lại hơn 10 dự án cho Chính phủ. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Một số ngành khác muốn đầu tư vào ngành điện để phá vỡ thế độc quyền đã gặp phải không ít khó khăn, trở ngại, trong đó trở ngại lớn nhất chính là giá mua điện thương phẩm của EVN không hợp lý, vậy mà EVN trả lại các dự án cho Chính phủ thì cần phải xem xét lại. Những dự án mà Chính phủ giao cho EVN thể hiện sự tin tưởng của Nhà nước vào EVN, vậy thì đúng ra EVN phải nhận thức rằng, mình có trách nhiệm huy động mọi nguồn vốn trong xã hội, đặc biệt là thúc đẩy cổ phần hoá để bảo đảm đúng lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nhằm thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình, thay vì trả lại các dự án với lý do thiếu vốn đầu tư.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả đầu tư của DNNN nói chung?

Hiệu quả đầu tư của EVN nói riêng, các DNNN nói chung còn thấp, hệ số ICOR cao (hệ số ICOR của Việt Nam mấy năm gần đây dao động khoảng 4,5 - 5,3, năm 2008 có thể còn cao hơn), tình trạng đầu tư dàn trải chưa được khắc phục. Điều đáng nói là, cùng chịu tác động, ảnh hưởng bất lợi của nền kinh tế thế giới và phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong nước, nhưng tốc độ tăng trưởng của các DNNN thấp hơn hẳn so với DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN dân doanh (5,9% so với 17,9% và 20,9%). Đứng trước thực tế này, Uỷ ban Kinh tế đã kiến nghị Chính phủ sớm đánh giá lại hoạt động của DNNN, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế.

Mạnh Bôn ghi
Mạnh Bôn ghi

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ