Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ chủ yếu gửi đi thông điệp mang tính biểu tượng

(ĐTCK) Các nhà phân tích cho biết, quyết định thực hiện cắt giảm sản lượng ở mức khiêm tốn của OPEC+ là một tuyên bố chính trị và là một thông điệp mang tính biểu tượng do liên minh gửi đi.

Hôm thứ Hai (5/9), OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng dầu nhỏ 100.000 thùng/ngày để hỗ trợ giá. Mới tháng trước, OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng dầu với mục tiêu tương tự là 100.000 thùng/ngày.

Ellen Wald, Chủ tịch của Transversal Consulting cho biết: “Về cơ bản, nó giống như một con số 0 đối với thị trường. Sự gia tăng sản lượng dầu vào tháng trước cũng hầu như không đáng kể và bây giờ chúng ta đang nói về việc loại bỏ những mức tăng đó”.

Ellen Wald cho biết, thông điệp cơ bản có ý nghĩa hơn bản thân việc cắt giảm sản lượng.

“Ý nghĩa biểu tượng của việc cắt giảm này là quan trọng hơn nhiều đối với thị trường và giá dầu Brent đã bị đẩy lên rất nhiều sau quyết định này”, bà cho biết.

Giá dầu đã tăng khoảng 3% vào thứ Hai (5/9) sau thông báo giảm sản lượng của OPEC+. Giá dầu Brent đang dao động quanh mức 95 USD/thùng trong khi giá dầu WTI dao động quanh mức 88 USD/thùng.

Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates cho biết: “Điều đó cho thấy một quan điểm về chính trị đối với Tổng thống Joe Biden cũng như Liên minh châu Âu, báo hiệu rằng OPEC sẽ đi theo con đường riêng của mình và họ muốn bảo vệ những mức giá dầu cao hơn đó”.

“Về cơ bản họ đang cho chúng ta thấy về việc cắt giảm. Việc cắt giảm hoàn toàn nằm trong khả năng của họ và rất có thể sẽ thực hiện một đợt cắt giảm có ý nghĩa hơn nhiều so với mức này”, ông cho biết.

Việc áp đặt mức trần giá có thể không khả thi

Cả hai nhà phân tích đều tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của việc áp đặt mức trần lên giá dầu của Nga.

Tuần trước, các nước G7 đã đồng ý áp đặt mức trần lên giá dầu của Nga để giảm chi phí dầu cho người tiêu dùng.

Hôm thứ Hai (5/9), Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri cho biết, nước này sẽ đánh giá cẩn thận xem có ủng hộ đề xuất của G7 về việc áp đặt mức trần lên giá dầu của Nga hay không.

Ông Puri nói thêm rằng, vẫn chưa rõ những quốc gia nào sẽ tham gia vào đề xuất này và những tác động có thể có đối với thị trường năng lượng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích năng lượng tỏ ra rất nghi ngờ về tính toàn vẹn của đề xuất này, đồng thời cảnh báo rằng chính sách này có thể phản tác dụng nếu những người tiêu dùng quan trọng như Trung Quốc và Ấn Độ không tham gia.

Cùng ngày, Nga cũng tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa đối với đề xuất này và cho biết họ sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia áp đặt giới hạn giá đối với xuất khẩu năng lượng của Nga.

“Tôi không thấy điều này diễn ra như thế nào ngoại trừ việc đẩy giá dầu lên cho tất cả mọi người, ngoại trừ những người đang tiếp tục mua dầu của Nga”, bà Ellen Wald cho biết.

Tương tự, Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates cho biết, việc áp đặt mức trần lên giá dầu của Nga là bất khả thi bởi vì cả Trung Quốc và Ấn Độ đều “đã được hưởng lợi từ việc giảm giá sâu từ dầu của Nga” và không có gì để đạt được bằng cách tăng giá.

Trong khi đó, việc áp đặt mức trần lên giá dầu của Nga có thể bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc trả giá cao hơn thay vì giảm nhu cầu về dầu.

“Họ không có động cơ để giảm nhu cầu. Điều đó có nghĩa là các chính phủ trên khắp châu Âu sẽ in tiền để gửi tới người tiêu dùng và càng lún sâu vào nợ nần”, ông Andy Lipow cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục