Việc cắt giảm lãi suất của ECB sẽ là điểm sáng hiếm hoi ở khu vực đồng Euro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc cắt giảm lãi suất trong tuần này là một cột mốc quan trọng đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Việc cắt giảm lãi suất của ECB sẽ là điểm sáng hiếm hoi ở khu vực đồng Euro

Lần đầu tiên sau hai thập kỷ, các nhà hoạch định chính sách ECB có thể bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ mà không bị ép buộc bởi tình trạng khẩn cấp tài chính. Thay vào đó, các nhà đầu tư đang phát tín hiệu về niềm tin vào khu vực đồng euro và kiểm soát lợi suất.

Nhưng bất chấp bề ngoài có vẻ bình lặng, nền kinh tế khu vực đồng tiền tiền chung (Eurozone) đang bắt đầu thấy hậu quả của những vấn đề đã tồn tại hàng thập kỷ. Ngày càng bị lu mờ bởi sự năng động của Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc, Eurozone đang suy yếu với tốc độ tăng trưởng thấp, năng suất lao động kém hơn, cơ cấu dân số già và tài chính công cồng kềnh ở các nước trọng điểm.

Jamie Rush, nhà kinh tế trưởng châu Âu của Bloomberg Economics cho biết: “Nếu không có biến động lớn, Liên minh châu Âu sẽ trở thành một cường quốc toàn cầu bị suy giảm nhiều, khiến Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc để giành quyền thống trị kinh tế”.

Cảm giác về một bước ngoặt đối với khu vực đồng euro hiện nay là có thể cảm nhận được. Việc cắt giảm lãi suất của ECB diễn ra khi đợt lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử tiền tệ dường như đã kết thúc và một cuộc suy thoái nông vừa kết thúc với sự tăng trưởng bất ngờ. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu của Ý và của Đức – thước đo rủi ro chính – cũng đã thu hẹp xuống mức thấp nhất trong hai năm trong năm nay.

Nợ công/GDP khu vực đồng euro

Nợ công/GDP khu vực đồng euro

Roger Hallam, người đứng đầu tỷ giá toàn cầu tại Vanguard Asset Management cho biết: “Châu Âu là một trường hợp rắc rối – đó là tất cả những gì bạn từng nghe từ các nhà đầu tư bên ngoài khu vực…Bây giờ bạn không nghe thấy điều đó".

Bằng chứng về khả năng phục hồi của khu vực đã xuất hiện vào năm ngoái khi sự hoảng loạn của nhà đầu tư đã đánh sập các ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ, mà không có thiệt hại nào như vậy ở khu vực đồng euro.

Tuy nhiên, các vấn đề dài hạn của khu vực có vẻ đáng ngại hơn bao giờ hết.

Alfred Kammer, một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo vào tháng 5 rằng: “Trong khi châu Âu hiện đang hoạt động tốt hơn, những thách thức sâu sắc về cơ cấu – già hoá dân số, biến đổi khí hậu và sự phân mảnh toàn cầu – đang chờ đợi”.

Năng suất lao động yếu và kéo theo đó là tiềm năng tăng trưởng kém là một trong những vấn đề như vậy. EU nói chung đã liên tục làm tệ hơn Mỹ về mặt đó kể từ khi bắt đầu thế kỷ hiện tại. Trong một nghiên cứu tháng 5, Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu (ECIPE) cho biết, kết quả là mức sống được cải thiện chậm hơn và “sự suy giảm sức mạnh kinh tế toàn cầu”.

Khoảng cách giữa nền kinh tế châu Âu và Mỹ kể từ năm 2000 đạt khoảng 18% GDP tiềm năng vào năm 2023 - tương đương hơn 3.000 tỷ euro (3.300 tỷ USD), Bloomberg Economics cho rằng mức chênh lệch sẽ còn lên tới gần 40% GDP tiềm năng vào năm 2050.

Một vấn đề lớn khác là tình trạng già hoá dân số đã làm tăng thêm mối lo ngại về mức tăng trưởng tiềm năng thấp và tính bền vững của nợ, đặc biệt là vì lương hưu trên toàn khu vực phần lớn được tài trợ công từ nguồn thu thuế hiện tại.

Oliver Rakau, nhà kinh tế tại Oxford Economics cho biết: “Tỷ lệ sinh thấp hơn nhiều so với dự kiến…Đây không phải là vấn đề trong hai, ba hoặc năm năm nữa, nhưng nó là vấn đề lớn về lâu dài”.

Điều cấp bách nhất là tình trạng suy thoái tài chính công ở các quốc gia đang phải chật vật để áp đặt các biện pháp hạn chế tài khóa. Theo Scope Ratings, Ý sẽ có khoản vay lớn nhất châu Âu chỉ sau 3 năm nữa.

Dự báo của IMF hiện cho thấy nợ tính theo phần trăm GDP đang tăng lên ở Pháp và Bỉ, với mức thâm hụt cao hơn nhiều so với mức trần 3% mà EU tìm cách thực thi.

Mới đây, S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp xuống AA-, động thái nêu bật những mục tiêu bị bỏ lỡ của chính phủ trong kế hoạch hạn chế thâm hụt ngân sách sau khi chi tiêu khổng lồ trong đại dịch Covid và cuộc khủng hoảng năng lượng.

Moritz Kraemer, nhà kinh tế trưởng tại LBBW và từng là nhà phân tích xếp hạng cấp cao tại S&P Global Ratings cho biết: “Rủi ro đang gia tăng…Tôi nghĩ thị trường chưa có đủ sự lo lắng”.

Với tất cả nỗ lực mà các chính phủ có thể thực hiện để kiểm soát thâm hụt nợ thông qua cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế, triển vọng tốt nhất để khắc phục vấn đề tài chính công về lâu dài sẽ là đạt được mức tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Đó là lĩnh vực mà các ý tưởng cấp lãnh đạo EU hiện đang quan tâm.

Vào giữa tháng 4, cựu Thủ tướng Ý Enrico Letta đã trình bày một báo cáo về tương lai của thị trường chung trong khối. Ông cũng kêu gọi hợp nhất các nhà khai thác viễn thông và hội nhập hơn nữa trên thị trường năng lượng.

Cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ sớm công bố một báo cáo được người dân háo hức chờ đợi về tương lai của khả năng cạnh tranh của châu Âu, trong đó sẽ cố gắng ngăn chặn tình trạng suy thoái bằng lời kêu gọi “thay đổi căn bản” có thể bao gồm giảm bớt gánh nặng pháp lý và trong một số trường hợp là trợ cấp lớn.

“Nếu không có các hành động chính sách được thiết kế và phối hợp một cách chiến lược, điều hợp lý là một số ngành công nghiệp của chúng ta sẽ ngừng hoạt động hoặc di dời ra ngoài EU”, ông cho biết.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang theo đuổi một chương trình nghị sự bao gồm việc thúc đẩy hội nhập thị trường vốn nhiều hơn để cạnh tranh với thành công của Mỹ trong việc tạo ra nguồn tài trợ khổng lồ.

“Mối quan tâm của tôi không chỉ là Pháp, mà còn là châu Âu khi so sánh với Mỹ và Trung Quốc… Ưu tiên hàng đầu của tôi là có một chính sách châu Âu nói rằng chúng ta phải đổi mới hơn nhiều, chúng ta phải tạo ra một thị trường vốn hiệu quả hơn nhiều, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn từ ngân sách chung của người châu Âu và từ khu vực tư nhân”, ông cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục