Vicostone chinh phục mốc lợi nhuận ngàn tỷ

(ĐTCK) Năm 2017, dù các thị trường xuất khẩu chủ lực có những biến động kinh tế - chính trị,  Công ty cổ phần Vicostone (VCS) vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh, đưa lợi nhuận vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Nhưng mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở thực tế.  
Vicostone đang đẩy mạnh phát triển thị trường Bắc Mỹ. Trong ảnh: Vicostone tham dự triển lãm Silim 2017 tại Canada Vicostone đang đẩy mạnh phát triển thị trường Bắc Mỹ. Trong ảnh: Vicostone tham dự triển lãm Silim 2017 tại Canada

Nền tảng tài chính tốt

Là doanh nghiệp sản xuất đá nhân tạo có công suất hàng đầu Việt Nam, nhưng thay vì khai thác lợi thế sân nhà như nhiều doanh nghiệp nội địa khác, Vicostone lại chọn hướng đi “khó nhằn” hơn là tập trung vào xuất khẩu, hướng đến các thị trường cao cấp và khó tính nhất trên thế giới.

Tại các thị trường đó, khách hàng không chỉ nhìn vào giá cả, mà còn đề cao tính thẩm mỹ, độc đáo của sản phẩm, cũng như tính thân thiện với môi trường. Và hướng tới “sân chơi” xuất khẩu, Vicostone chấp nhận cuộc cạnh tranh sòng phẳng, khốc liệt với những nhà sản xuất đá thạch anh hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, thương hiệu Vicostone đã và đang ngày càng được khẳng định trên thị trường quốc tế. Sản phẩm của Vicostone hiện đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, chinh phục nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Bỉ, Canada, Anh…, cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ... Thành công của Vicostone được phản ánh rõ nét ở tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận đầy ấn tượng trong những năm qua.

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vicostone cho biết, ước tính kết quả thực hiện trong 6 tháng  đầu năm đạt ít nhất 50% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm. Việc hoàn thành chỉ tiêu cả năm sẽ khả quan hơn khi 6 tháng cuối năm là mùa cao điểm xây dựng ở các thị trường trọng điểm.     

Năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất của Công ty đạt 3.211,9 tỷ đồng, tăng 22% so với 2015. Động lực tăng trưởng chính tiếp tục đến từ xuất khẩu khi đóng góp 98% tổng doanh thu, tăng trưởng 22,39%. Trong đó, Mỹ là thị trường chủ lực với 60,36% doanh thu, tăng trưởng 35,7% so với 2015. Đóng góp lớn thứ hai trong cơ cấu doanh thu là thị trường châu Úc (với tỷ trọng 21%) và thứ ba là châu Âu (tỷ trọng 12%).

Ấn tượng hơn là lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tới 70%, đạt 813,76 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm, từ 2012 - 2016, doanh thu của Vicostone đã tăng gấp 3,33 lần, lợi nhuận trước thuế tăng gấp 14,24 lần. Năm 2016, Vicostone lần thứ ba liên tiếp được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong Top 50 công ty niêm yết kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.

Cùng với hiệu quả kinh doanh cao, Vicostone duy trì được nền tảng tài chính tốt. Dòng tiền hoạt động kinh doanh của Công ty luôn dồi dào, riêng năm 2016, số dư lưu chuyển tiền thuần hoạt động kinh doanh lên tới 785 tỷ đồng. Điều này không chỉ giúp Công ty có đủ khả năng tái đầu tư cho các dự án mới, chi trả cổ tức cho cổ đông, mà còn từng bước giảm nợ vay, giảm chi phí tài chính, cải thiện hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn của Vicostone là 37,7%, giảm mạnh so với mức 54,4% hồi đầu năm. Vay nợ giảm cùng tỷ giá ổn định giúp chi phí tài chính của Vicostone trong năm 2016 chỉ chiếm 2,2% doanh thu, trong khi cùng kỳ năm trước con số này lên tới 7,69%.

Còn nhớ, giai đoạn những năm 2012 - 2013, do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn, cộng với ảnh hưởng suy giảm kinh tế chung, lợi nhuận của Vicostone đã đột ngột tụt dốc mạnh, chỉ bằng một nửa so với năm 2011. Có thể nói, đà tăng trưởng mạnh trở lại của Công ty trong 4 năm gần đây, bên cạnh yếu tố thị trường thuận lợi, còn có sự nỗ lực rất lớn của Vicostone trong quản trị, điều hành cũng như định hướng hoạt động.

Sẵn sàng thích ứng với biến động

Bước sang năm 2017, dự báo bối cảnh kinh doanh có một số yếu tố bất lợi như giá nguyên liệu đầu vào biến động, kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm, các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump..., song Vicostone vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu doanh thu 4.310 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 32% và 22% so với mức thực hiện 2016.

Để thực hiện kế hoạch này, Vicostone đã chủ động ứng phó với các biến động từ bên ngoài. Cụ thể, Công ty đã nội địa hóa nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, để tránh những cú sốc giá trên thị trường thế giới.

Tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, Vicostone đã thông qua việc nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp 50 tỷ đồng tại Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và chế biến khoáng sản Phenikaa Huế từ công ty mẹ là CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) và sẽ đầu tư xây nhà máy với công suất đủ cung cấp cristobalite, nguyên liệu chiếm khoảng 30% giá thành đá thạch anh, cho toàn Tập đoàn.

Đối với thị trường xuất khẩu chủ lực Mỹ, trước mắt sản phẩm đá thạch anh của Vicostone ít có khả năng bị tăng thuế do đây là sản phẩm nhân tạo, không thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lực sản xuất của các nhà sản xuất Mỹ chưa đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vicostone cho biết, Công ty sẵn sàng đầu tư một nhà máy ngay tại Mỹ để phục vụ thị trường này trong trường hợp Mỹ tăng thuế nhập khẩu.

Song song với thâm nhập sâu vào các thị trường hiện hữu, Vicostone cũng đẩy mạnh phát triển thị trường mới, đặc biệt tập trung vào khu vực Bắc Mỹ, nơi đá nhân tạo vẫn còn là vật liệu mới, thị phần còn khá khiêm tốn (với khoảng 8% ở Mỹ và 18% ở Canada trong năm 2016, so với khoảng 40% ở Úc hay 86% ở Israel), nhưng đang có xu hướng mở rộng và dần hay thế các vật liệu truyền thống.

Từ năm nay, Công ty cũng đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, mà lâu nay gần như bị bỏ ngỏ do nhu cầu tiêu thụ chủ yếu thuộc phân khúc tiêu thụ trung bình, mà sản phẩm của Vicostone thuộc phân khúc cao cấp. Mục tiêu của Vicostone là doanh thu từ thị trường nội địa đạt 10 triệu USD hàng năm.

Với dân số hơn 90 triệu người, thu nhập bình quân cải thiện, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm phân khúc trung và cao cấp ngày càng gia tăng, thị trường nội địa được Vicostone đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng.

Hiện sản phẩm của Vicostone được sản xuất theo một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và các chứng chỉ chuyên ngành, nhưng đặc điểm của ngành sản xuất đá nhân tạo là các mẫu mã đẹp, độc đáo dễ bị đối thủ “copy” chỉ sau một thời gian ngắn đưa ra thị trường.

Do vậy, hoạt động R&D (nghiên cứu – phát triển) luôn được Vicostone quan tâm, với kinh phí đầu tư trên 1% doanh thu hàng năm. Đây là một điều khá “xa xỉ” với nhiều doanh nghiệp khác, nhưng giúp Công ty liên tục tạo ra những mẫu mã mới, đẹp, độc đáo, với kỹ thuật đối thủ khó bắt chước.

Với những giải pháp đồng bộ, chủ động ứng phó với những biến động, khó khăn từ bên ngoài, quý I vừa qua, dù giá nguyên vật liệu tăng trung bình 20% so với cùng kỳ, nhưng Vicostone vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan, với doanh thu 1.131 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, lần lượt đạt tốc độ tăng trưởng 58% và 25,5% so với cùng kỳ 2016.

Với kết quả kinh doanh quý I/2017, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) lũy kế 4 quý gần nhất của Vicostone đạt 11.820 đồng. Với thị giá trên 150.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VCS đang được giao dịch ở mức P/E 14 lần. Đây là mức khá cao so với các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, gạch ốp lát khác đang giao dịch trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Tuy nhiên, với quy mô 98% doanh thu đến từ xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng kép trên 20% năm, VCS vẫn là cổ phiếu rất hấp dẫn. Còn nếu so với PE của các doanh nghiệp đầu ngành thế giới, thì mức định giá này vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục