Viconship vừa nhận chuyển nhượng gần 12,8 triệu cổ phiếu VNA, tương ứng 37,55% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (Vinaship), với giá dự 27.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị xấp xỉ 345 tỷ đồng. Theo đó, Viconship nâng sở hữu tại Vinaship từ 836.000 cổ phiếu (tỷ lệ 2,46%) lên hơn 13,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 40,01%).
Trước đó, Vinaship đã chấp thuận cho Viconship nhận chuyển nhượng cổ phiếu từ các cổ đông hiện hữu mà không cần phải chào mua công khai, giúp Viconship thuận lợi trong việc gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty.
Viconship đang tập trung vào hai mảng kinh doanh chính là cảng biển và logistics (gồm kho bãi container, kho hàng, vận tải bộ và hậu cần logistics khác).
Ở mảng cảng biển, Viconship hiện là doanh nghiệp cảng lớn nhất Hải Phòng, hoạt động quanh khu vực sông Cấm, với việc sở hữu 4 cảng biển gồm 1 cảng thượng nguồn là cảng Green và 3 cảng hạ nguồn là VIP Green, VIMC Đình Vũ và Nam Hải Đình Vũ.
Trong đó, Nam Hải Đình Vũ được Viconship thâu tóm với tỷ lệ sở hữu gần 100% vào tháng 7/2024, giúp Công ty nối liền 3 cụm cảng hạ nguồn, từ đó giúp tối ưu vận hành khi tổng chiều dài cầu cảng của 3 cảng lên đến gần 1,6 km, hỗ trợ việc phân bổ, sắp xếp lịch tiếp nhận tàu trong khu vực. Điều này cũng giúp Viconship giảm đáng kể chi phí vận hành, chi phí thuê ngoài, chủ động hơn trong việc tiếp nhận và khai thác tàu, hạn chế tối đa trong việc chuyển tàu sang cảng khác.
Viconship được Vinaship cho phép nâng tỷ lệ sở hữu từ 2,46% lên 40,01% vốn điều lệ mà không phải chào mua công khai.
Ở mảng logistics, mảnh ghép Viconship còn thiếu là vận tải biển. Điều này khiến Công ty chưa thể hoàn thiện chiến lược cung cấp thêm các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng, cung cấp dịch vụ theo gói tới khách hàng từ cảng, vận tải, kho bãi, thủ tục hải quan.
Trong khi đó, Vinaship được biết đến là doanh nghiệp vận tải biển sở hữu đội tàu gồm 5 chiếc với tổng tải trọng 95.861 DWT, độ tuổi bình quân hơn 20, trong đó 3 tàu có trọng tải từ 22.000 - 27.000 DWT (28 tuổi), 1 tàu trọng tải 13.245 DWT (16 tuổi) và 1 tàu trọng tải 6.500 DWT (21 tuổi).
Ngày 24/9/2024, đại hội đồng cổ đông bất thường của Vinaship đã thông qua kế hoạch chi 12 triệu USD, tương đương gần 306 tỷ đồng để mua tàu chở hàng khô có trọng tải 28.000 - 32.000 DWT, độ tuổi dưới 15. Doanh nghiệp lên kế hoạch sử dụng 50% vốn tự có và 50% vốn vay từ VietinBank.
Rà soát lại báo cáo soát xét bán niên 2024 của Viconship xuất hiện khoản phải thu 47 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là tiền đặt cọc cho các cá nhân để Công ty nhận chuyển nhượng vốn góp nhằm đạt tỷ lệ chi phối tại một công ty mục tiêu hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển. Viconship không thuyết minh chi tiết hơn, nhưng đây có thể là khoản đặt cọc mua cổ phiếu VNA mà doanh nghiệp đã lên kế hoạch nhận chuyển nhượng cổ phần từ trước.
Trong năm 2024, Viconship còn có kế hoạch đặt cọc để đầu tư vào một cảng nước sâu khu vực Lạch Huyện, Hải Phòng, với số tiền dự kiến lên đến 1.000 tỷ đồng.
Trong quá trình mở rộng đầu tư, tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi, Viconship cũng mạnh tay tái cơ cấu doanh nghiệp, thoái vốn tại nhiều khoản đầu tư khác.
Chẳng hạn, ngày 27/6/2024, Hội đồng quản trị Viconship thông qua việc thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh dự án Khách sạn Hyatt Place Hải Phòng giữa Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cảng Xanh, Công ty TNHH MTV Trung tâm Logistics Xanh với Công ty cổ phần Tập đoàn T&D Group. Trong đó, Dịch vụ Cảng Xanh và Trung tâm Logistics Xanh đều là các công ty con thuộc sở hữu 100% của Viconship.
Tính đến cuối quý II/2024, Viconship có 823,6 tỷ đồng khoản phải thu từ dự án Hyatt Place Hải Phòng. Theo thoả thuận giữa các bên, T&D Group sẽ hoàn trả cho các công ty con của Viconship làm 2 đợt: đợt 1 thanh toán 700,3 tỷ đồng, chậm nhất vào ngày 10/7/2024; đợt 2 thanh toán 123,3 tỷ đồng, chậm nhất vào ngày 31/12/2024. Đầu tháng 8/2024, Viconship thông qua việc thoái toàn bộ 30% vốn góp tại Công ty TNHH Tuyến Container T.S Hà Nội. Gần đây nhất, ngày 12/9/2024, Viconship hoàn tất chuyển nhượng hơn 8,82 triệu cổ phiếu PSP, tương ứng 22,05% vốn tại Công ty cổ phần Cảng dịch vụ Dầu khí Đình Vũ, với giá trị khoảng 97 tỷ đồng (theo dữ liệu giao dịch cổ phiếu PSP trên sàn chứng khoán cùng ngày).
Công ty đang chuẩn bị các nguồn lực, mở rộng năng lực hoạt động tại Hải Phòng nhằm đón đầu các cơ hội mới cũng như nguồn vốn FDI đổ vào miền Bắc. Theo kế hoạch phát triển các năm tới, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh mở rộng các khu công nghiệp như Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và tăng cường xây mới 15 khu công nghiệp với tổng diện tích lên tới 6.200 ha.
Song song với sự phát triển của các khu công nghiệp, sản lượng hàng hóa giao thương tại Hải Phòng tăng trưởng mạnh. Theo quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - cảng biển lớn hàng đầu cả nước, giúp Viconship hưởng lợi.
Trong nửa đầu năm 2024, Viconship ghi nhận doanh thu 1.304 tỷ đồng, tăng gần 31%; lợi nhuận sau thuế 161,5 tỷ đồng, tăng 109,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh nhờ do Công ty tối ưu hoá việc vận hành máy móc, thiết bị, nâng cao hiệu suất lao động và chi phí khấu hao giảm giúp lợi nhuận gộp được cải thiện.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán DSC, năm 2024, Viconship có thể đạt 2.458 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 257 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 29% so với năm 2023. Doanh thu kỳ vọng tăng chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bốc xếp container tăng trưởng 15%, trong bối cảnh sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng có khả năng duy trì mức tăng 2 con số trong nửa cuối năm 2024.
Mặc dù chi phí bốc xếp thuê ngoài giảm do thâu tóm cảng mới, nhưng DSC đánh giá, biên lợi nhuận gộp của Viconship sẽ chưa tăng ngay, mà duy trì ổn định ở mức 30%, bởi chi phí khấu hao và nhân công dự kiến tăng mạnh khi hoàn tất thâu tóm cảng Nam Hải Đình Vũ.
DSC ước tính, công suất khai thác Nam Hải Đình Vũ năm 2024 đạt khoảng 40%, chủ yếu nhờ nguồn hàng chuyển từ 2 cảng chính của Viconship. Sản lượng khai thác các năm sau đó khó có thể tăng mạnh, do thách thức từ cạnh tranh trong khu vực cũng như khó khăn trong tìm kiếm khách hàng mới.
Thực tế, Viconship cho biết, trong năm nay, thách thức của Công ty đến từ việc cạnh tranh trong các mảng dịch vụ chính vẫn hiện hữu, điển hình như mảng khai thác cảng biển tại Hải Phòng, đồng thời khách hàng vẫn gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Viconship sở hữu 40,01% vốn của Vinaship sau khi mua hơn 12,76 triệu cổ phiếu. Theo một chuyên gia tài chính, Viconship sẽ có quyền phủ quyết những vấn đề, nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông tại Vinaship. Tuy nhiên, quyền chi phối Vinaship vẫn nằm trong tay cổ đông mẹ nắm 51% vốn là Tổng công ty Hàng hải. Sự tham gia của Viconship có thể coi là việc thu hẹp cơ cấu cổ đông tại Vinaship, mà không ảnh hưởng đến quyền quyết định cuối cùng của Tổng công ty Hàng hải.
Trước đó, danh sách 15 cổ đông Vinaship dự kiến tham gia chuyển nhượng cổ phiếu cho Viconship có sự xuất hiện của VietinBank Capital, cổ đông sở hữu 14,71% vốn Vinaship (mới mua vào trong tháng 9/2024). Đồng thời, VietinBank Capital là cổ đông lớn nhất của Viconship, sở hữu 16,12% vốn (mua từ tháng 7/2024). Như vậy, việc mua và trở thành cổ đông lớn tại Vinaship sau đó nhanh chóng chuyển nhượng cho Viconship của VietinBank Capital là có thể coi là sở hữu chéo, chuyển vốn từ bên này sang bên kia.
Ngoài ra, VietinBank Capital là công ty con do VietinBank sở hữu 100% vốn. Đây cũng là ngân hàng mà Vinaship dự kiến vay 50% trong tổng số 306 tỷ đồng cho việc đầu tư tàu mới đã được đại hội đồng cổ đông bất thường cuối tháng 9/2024 thông qua.