Vì thế hệ tương lai đất nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Học sinh, sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước, việc thực hiện bao phủ 100% đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế là nhiệm vụ quan trọng, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này.
Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tặng thẻ BHYT cho học sinh tại tỉnh Điện Biên Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tặng thẻ BHYT cho học sinh tại tỉnh Điện Biên

Việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ thông qua chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh sinh viên được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Sự quan tâm này đã được cụ thể hóa bằng các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như thế nào, thưa ông?

BHYT là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện chính sách BHYT nói chung và BHYT học sinh sinh viên nói riêng có vai trò rất quan trọng đối với an sinh xã hội, nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phát triển toàn diện cho người dân, đặc biệt là thế hệ tương lai của đất nước. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách BHYT nói chung cũng như chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHYT học sinh sinh viên.

Ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01/7/2009); trong đó quy định từ ngày 1/1/2010, học sinh sinh viên chuyển từ đối tượng tham gia tự nguyện sang đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT. Khi Luật BHYT được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) tiếp tục quy định, học sinh sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng (hỗ trợ tối thiểu từ 30 - 100% mức đóng tùy thuộc nhóm đối tượng ưu tiên).

Với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, trên cơ sở Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015… về việc tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội và BHYT, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện BHYT học sinh sinh viên; giao Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh sinh viên, đảm bảo 100% học sinh sinh viên tham gia BHYT.

Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Như vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản pháp lý liên quan đến chính sách BHYT học sinh sinh viên đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với việc thực hiện pháp luật BHYT nói chung và pháp luật BHYT đối với nhóm học sinh sinh viên - thế hệ tương lai của đất nước nói riêng.

Bên cạnh việc hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho học sinh sinh viên từ ngân sách, nhiều tỉnh, thành phố còn có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm để khuyến khích học sinh sinh viên tham gia BHYT. Hiện có bao nhiêu địa phương có thêm mức hỗ trợ này, thưa ông?

Năm 2022, có 27 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho học sinh sinh viên. Trong đó, một số tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ lớn như Hà Giang (hỗ trợ 70% mức đóng); Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu (hỗ trợ 30% mức đóng); Quảng Ngãi (hỗ trợ từ 20-30% mức đóng); Bắc Kạn, Cà Mau, Hậu Giang, Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc (hỗ trợ 20% mức đóng)…

Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố hỗ trợ riêng mức đóng BHYT học sinh sinh viên đối với các trường hợp đặc biệt, như TP.HCM hỗ trợ 100%, Đồng Nai hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đối với học sinh sinh viên là người khuyết tật; An Giang, Lâm Đồng hỗ trợ 70% đối với học sinh là người dân tộc thiểu số; Bình Phước hỗ trợ 70% đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Những năm qua, nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức, thực hiện hiệu quả chính sách BHYT học sinh sinh viên của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã những kết quả cụ thể ra sao, thưa ông?

Học sinh sinh viên chiếm khoảng trên 1/5 dân số cả nước. Việc tăng tỷ lệ tham gia BHYT ở nhóm học sinh sinh viên không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân mà còn góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước.

Trong những năm qua, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật BHYT, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, trong đó đặc biệt là sự chủ động phối hợp chặt chẽ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và ngành Giáo dục – Đào tạo trong công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHYT học sinh sinh viên. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh sinh viên tham gia BHYT tăng dần qua các năm; đến nay, kết quả đã tiệm cận mục tiêu bao phủ 100% học sinh sinh viên tham gia BHYT.

Con số này cho thấy, nhận thức của học sinh sinh viên và phụ huynh về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT… đã có sự chuyển biến rõ rệt, chuyển từ tâm thế bị động sang chủ động, tích cực tham gia. Đơn cử, nếu như trước đây, một số phụ huynh có quan niệm, chỉ khi con mắc bệnh nan y, mãn tính, cần điều trị với chi phí khám chữa bệnh lớn mới tham gia BHYT thì hiện nay, phần lớn phụ huynh đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi các con đang khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho học sinh sinh viên ngày càng được mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao... Nhìn vào kết quả thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT cho học sinh sinh viên thời gian qua cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là học sinh sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính như: suy thận, ung thư, tim mạch… với chi phí điều trị từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.

BHYT học sinh sinh viên mang lại rất nhiều lợi ích, quyền lợi thiết thực, nhưng hiện vẫn còn một số học sinh sinh viên chưa tham gia. Trước thực trạng này, ngành đã, đang và sẽ tập trung thực hiện các giải pháp gì để sớm đạt độ bao phủ BHYT 100% học sinh sinh viên?

Hiện vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh sinh viên chưa nhận thức được đầy đủ về quyền lợi, tính nhân văn của chính sách BHYT học sinh sinh viên nên chưa tham gia, chủ yếu là nhóm học sinh sinh viên từ năm thứ 2 trở lên của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề. Điều này khiến các em đánh mất cơ hội được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe từ chính sách BHYT.

Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu 100% học sinh sinh viên tham gia BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Một là, chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện bảo hiểm xã hội, BHYT như: phân công nhiệm vụ cụ thể các ngành liên quan để thực hiện mục tiêu đạt 100% học sinh sinh viên tham gia BHYT; giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh sinh viên đối với từng trường học và đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT học sinh sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại; hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV; nhân rộng, lan tỏa phong trào chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm ủng hộ tặng thẻ BHYT cho các em học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…

Hai là, tiếp tục tăng cường truyền thông về BHYT học sinh sinh viên, trong đó chú trọng truyền thông để từng phụ huynh và mỗi em học sinh sinh viên nhận thức sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHYT.

Ba là, đảm bảo thuận lợi trong các thủ tục hành chính, tăng cường và nâng cao chất lượng giao dịch điện tử, tạo thuận lợi cho người tham gia. Thực hiện rà soát, phân loại danh sách học sinh sinh viên trong cơ sở dữ liệu hộ gia đình để tích cực vận động các trường hợp chưa tham gia BHYT hoặc sắp hết hạn BHYT; cấp, gia hạn thẻ BHYT cho học sinh sinh viên và chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các nhà trường kịp thời, đúng quy định, để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại các trường học.

Bốn là, Bảo hiểm Xã hội các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục - đào tạo cùng cấp tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá, phổ biến, tuyên truyền chính sách BHYT đến tất cả các trường học; ban hành văn bản hướng dẫn các trường học trên địa bàn tổ chức thu BHYT học sinh sinh viên theo đúng quy định. Chỉ đạo các trường học tích cực rà soát, lập danh sách HSSV thuộc diện tham gia BHYT tại trường học, triển khai các thủ tục đảm bảo thu đúng, đủ BHYT học sinh sinh viên theo đúng quy định của Luật BHYT.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho học sinh sinh viên.

Nam Khánh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục