Vì sao TTCK Việt Nam đi lùi?

Suốt mấy tháng qua, dù có nhiều thông tin hỗ trợ như kinh tế tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế, lãi suất giảm, doanh nghiệp kinh doanh có lãi…, nhưng TTCK Việt Nam vẫn đi ngược với thế giới, chúi đầu đi xuống hoặc đi ngang trong biên độ hẹp.
Dù có nhiều thông tin hỗ trợ, nhưng TTCK Việt Nam vẫn đi ngược với thế giới, chúi đầu đi xuống (Nguồn: Corbis) Dù có nhiều thông tin hỗ trợ, nhưng TTCK Việt Nam vẫn đi ngược với thế giới, chúi đầu đi xuống (Nguồn: Corbis)

Các CTCK và nhiều phương tiện truyền thông giải thích là do TTCK Mỹ đi xuống, khủng hoảng nợ công ở châu Âu (Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…), Quỹ VEIL có nguy cơ thoái vốn… Nhưng khi các vấn đề trên được giải tỏa, TTCK vẫn không khả quan hơn.

Ngược với xu hướng của thị trường, nhiều cổ phiếu nhỏ (penny stock), chỉ số tài chính kém, nhất là cổ phiếu trên sàn Hà Nội, cứ tăng giá "ầm ầm". Còn các cổ phiếu lớn (blue-chip), kinh doanh tốt, vốn hóa cao thì lại đi xuống.

Thực tế thì thời gian qua, hiện tượng "đội lái", "làm giá" diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó là tin đồn mã này mã kia lợi nhuận khủng.

NĐT có thể cảm nhận được thị trường bị thao túng, nhưng những đối tượng thao túng chẳng hề gì. Có vài trường hợp bị phát hiện, nhưng mức xử phạt rất nhẹ, không có tác dụng răn đe.

Ở các nước phát triển, hành vi thao túng, giao dịch nội gián bị xử phạt rất nặng, các đối tượng đó nhẹ thì đối mặt với nguy cơ phá sản, nặng thì bị truy tố hình sự. Vì vậy, ít ai dám vi phạm, nếu có thì cũng dễ bị phát hiện.

Hơn nữa, trên bảng điện tử, người ta chỉ nhìn thấy có một giá: giá mua, giá bán, số lượng, chứ không thể hiện 3 mức giá như ở Việt Nam. Do đó, tại TTCK nước ngoài, người ta mua - bán chủ yếu dựa trên cơ sở giá trị của chứng khoán được tính toán trước thông qua các mô hình định giá (họ có một khoảng giá xác định để mua - bán).

Hơn nữa, đa số NĐT là tổ chức, có kỹ năng và chuyên môn. Còn ở Việt Nam, đa số là NĐT cá nhân, trong đó phần lớn có mục đích đầu cơ, kinh doanh ngắn hạn, ít được đào tạo bài bản, nên tính "bầy đàn" rất cao.

Dựa vào đặc điểm này mà các "đội lái" có dịp "câu cá". Những "con mồi" nào mới vào nghề hoặc tham lam, thiếu kiến thức đu theo sẽ bị xả hàng, đành "ôm bom". Những sự việc như vậy kéo dài làm xói mòn niềm tin của NĐT vào TTCK, nơi mà niền tin đứng vị trí hàng đầu.

Cơ quan quản lý TTCK cần chấm dứt tình trạng này, lấy lại niềm tin của NĐT vào TTCK. Nếu không có niềm tin vào tính minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NĐT thì sẽ không có ai dám đầu tư, cho dù là cá nhân hay tổ chức, trong nước hay ngoài nước.

Cần đa dạng hóa sản phẩm và hình thức đầu tư như nhiều nước có TTCK phát triển đã làm từ lâu: NĐT được mở nhiều tài khoản, được giao dịch ký quỹ (vay tiền mua chứng khoán), bán khống (mượn chứng khoán để bán), giao dịch kỳ hạn (futures), tùy chọn (opption)… Những công cụ này rất hữu ích, góp phần chống lại nạn thao túng, làm giá, giúp NĐT phòng ngừa rủi ro cho tài sản của mình. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần đưa ra những chế tài mạnh, thậm chí truy tố hành vi thao túng, giao dịch nội gián và thông tin sai sự thật. Có như vậy thì TTCK mới phát triển bền vững.

Khoa Nguyễn (Thạc sỹ tài chính, Đại học Washington, Mỹ)
Khoa Nguyễn (Thạc sỹ tài chính, Đại học Washington, Mỹ)