Vì sao sự bùng nổ số ca mắc Covid-19 ở châu Á là nỗi lo của toàn thế giới?

0:00 / 0:00
0:00
Sự bùng nổ số ca mắc Covid-19 ở châu Á hiện nay không chỉ là vấn đề của khu vực mà còn là nỗi lo của toàn thế giới với những bài học đắt giá được rút ra.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine cho các nhân viên tại Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP. Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine cho các nhân viên tại Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP.

Sự bùng nổ số ca mắc ở châu Á – nơi từng là hình mẫu chống dịch

Tâm lý chủ quan, dân số đông và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế là những yếu tố khiến làn sóng Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ trở nên tồi tệ hơn.

Thảm họa này không chỉ khiến hàng triệu người ở quốc gia Nam Á này mắc bệnh mà còn ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới với sự ra đời của một biến thể mới dễ lây nhiễm hơn.

Tuy nhiên, cơn ác mộng trên không phải xảy ra chỉ riêng với Ấn Độ. Thế giới thực sự cần chú ý hơn đến tình hình dịch bệnh ở châu Á khi mà có những nơi cũng đang không được trang bị tốt hơn Ấn Độ để đối phó với sự gia tăng số ca mắc cũng như theo dõi các đột biến mới.

Hồi chuông cảnh báo đang được réo lên ở khắp Đông Nam Á. Thái Lan, Malaysia và các quốc gia khác đều đang chứng kiến tình trạng tồi tệ của dịch bệnh với số ca mắc cao hơn bất kỳ làn sóng Covid-19 nào trước đó.

Indonesia đang tiến tới mốc 6.000 ca mắc mới mỗi ngày trong khi Philippines hôm 22/5 thông báo hơn 6.800 ca Covid-19 mới. Hiện còn quá sớm để đánh giá liệu đây chỉ là sự thay đổi tạm thời hay là báo hiệu của một viễn cảnh nghiêm trọng hơn.

Những nước kém phát triển hơn trong khu vực là những nước đối mặt với mối lo ngại lớn hơn khi mà trước đó, họ tưởng đã thoát được tình trạng tồi tệ nhất. Campuchia chứng kiến sự tăng vọt số ca mắc vào tháng trước với tình hình nghiêm trọng tới nỗi Thủ tướng Hun Sen đã nhận định rằng, Campuchia đang "trên bờ vực tử thần".

Hiện nay, số ca mắc mới đã giảm nhưng tổng số ca mắc ở Campuchia lên tới 24.000 trường hợp kể từ đầu tháng 4. Lào có chưa tới 50 ca mắc vào đầu tháng 4 nhưng con số chính thức hiện nay đã lên tới 1.700 trường hợp.

Tại Myanmar, thậm chí khó mà biết được mức độ lây lan của dịch bệnh khi việc xét nghiệm gần như đã dừng lại sau khi xảy ra chính biến vào tháng 2.

Cơn ác mộng Covid-19 một lần nữa ập đến vào thời điểm kinh tế các nước này đều đứng trước vô vàn khó khăn sau hơn 1 năm thực hiện các biện pháp hạn chế ứng phó dịch bệnh. Hầu như rất ít chính phủ cân nhắc đến việc lặp lại hình thức phong tỏa như năm 2020.

Bên cạnh đó, chiến dịch phân phối vaccine vẫn diễn ra chậm chạp và còn nhiều lỗ hổng trong việc kiểm soát các đường biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép. Lào có đường biên giới dài khoảng 5.000 km và tiếp giáp với 5 quốc gia. Những ca mắc ban đầu của nước này trong làn sóng Covid-19 mới đây đều liên quan đến những người vượt Sông Mekong từ Thái Lan.

Thậm chí, ở những quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển như Singapore hay Đài Loan (Trung Quốc), những nơi từng được ca ngợi về việc kiểm soát thành công dịch bệnh, hiện cũng đang chật vật trước những đợt bùng phát Covid-19 mới và áp đặt nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản không có dấu hiệu giảm bớt mà liên tục chứng kiến những làn sóng mới giữa lúc nước này có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất trong số nước quốc gia phát triển và hơn 80% dân số phản đối việc tổ chức Thế Vận hội.

Châu Á không phải là nơi duy nhất dịch bệnh trở nên tồi tệ. Các nhà chức trách Nam Mỹ cũng đang đau đầu đối phó với làn sóng Covid-19 mới và các biến thể đáng lo ngại, hiện đã vượt ra ngoài biên giới Brazil.

Thực tế trên đã cho thấy chúng ta đang lặp lại những sai lầm không phải lần đầu tiên mắc phải trong đại dịch này.

Những bài học đắt giá

Có hai bài học cần rút ra hiện nay. Thứ nhất là sẽ không có cách nào kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nếu không có vaccine. Đó là lý do nhiều khu vực châu Âu và Mỹ hiện đang chứng kiến số ca mắc giảm mạnh, cũng như bắt đầu thảo luận về kế hoạch mở cửa trở lại.

Trong khi đó, Thái Lan, quốc gia cũng muốn mở cửa trở lại đảo du lịch Phuket nhưng mới chỉ tiêm đầy đủ vaccine cho chưa tới 1% dân số, hiện chứng kiến các đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng trong các nhà tù đến nỗi nước này đang cân nhắc đến việc đưa ra một số lệnh ân xá.

Tỷ lệ tiêm vaccine thấp cũng khiến Đài Loan (Trung Quốc) chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Singapore, mặc dù có nhiều người được tiêm chủng hơn nhưng số lượng này vẫn chưa đủ. Thành phố Sư tử đã buộc phải hủy những sự kiện quan trọng như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, để gấp rút tiêm mũi vaccine đầu tiên cho tất cả người trưởng thành cho tới cuối tháng 8 và kéo dài thời gian giữa 2 mũi tiêm để bảo vệ được nhiều người hơn trước dịch bệnh.

Thực tế này là một lời cảnh báo cho những nơi mà dịch bệnh hiện cơ bản được kiểm soát nhưng tỷ lệ tiêm vaccine vẫn còn thấp. Cho đến nay, chưa tới 12% người dân Hong Kong (Trung Quốc) được tiêm cả 2 liều vaccine.

Australia cũng thực hiện việc tiêm vaccine với phương châm đây là "một cuộc đua đường dài chứ không phải cuộc đua nước rút" khi chỉ có 7% dân số được tiêm đủ liều vaccine. Cả hai nơi này đều cần chuẩn bị sẵn sàng hơn trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Bài học thứ hai là một bài học quan trọng được rút ra từ trường hợp của Ấn Độ và Brazil. Ở những quốc gia rộng lớn với dân số đông như vậy, việc không xét nghiệm đủ, không truy vết kịp thời hay thiếu khả năng phân tích trình tự gen là những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan không kiểm soát và các nhà chức trách khó có thể theo dõi sự tiến hóa của virus cũng như hành động kịp thời. Không thực hiện những biện pháp trên, chúng ta dường như đều rơi vào điểm mù trước dịch bệnh.

Lấy ví dụ về trường hợp của Myanmar - một trong những quốc gia bị tác động tồi tệ nhất và ít có sự chuẩn bị nhất trước dịch bệnh Covid-19 ở Đông Nam Á khi nước này chỉ có 0,7 giường chăm sóc tích cực và 0,5 máy thở trong số 100.000 dân.

Trong khi đó, Ấn Độ có khoảng 2 giường và Hàn Quốc có 11 giường bệnh chăm sóc tích cực trên 100.000 dân. Việc xét nghiệm hàng ngày đã giảm xuống mức chưa tới 1.000 mẫu/ngày so với con số 18.000 mẫu trước khi đảo chính xảy ra. Vì thế, ở Myanmar, gần như không có hy vọng cho việc tiêm vaccine trên diện rộng.

Các biến thể phải được theo dõi trước khi chúng bùng phát và hiện nay, thế giới không thể theo sát những gì đang diễn ra ở châu Á. Biến thể đột biến kép đã xuất hiện ở Ấn Độ vào tháng 12 nhưng nó đã phát triển mà không được kiểm soát.

Ngày càng nhiều biến chủng như vậy sẽ xuất hiện ở giai đoạn này của đại dịch. Điều đó tức là dịch bệnh ở châu Á đang cần được hỗ trợ ứng phó và theo dõi sát sao hơn bởi nếu không, dịch bệnh sẽ chưa thể kết thúc cho dù có những nơi người ta tưởng mình đã thoát khỏi điều tồi tệ nhất.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục