Vì sao phải đầu tư đường ống Nam Côn Sơn 2?

(ĐTCK) Tại Hội thảo các phương án quy hoạch phát triển hạ tầng công nghiệp Khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” diễn ra tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cuối tuần trước, các đại biểu đã thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng các phương án phát triển hạ tầng khí tại khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (NCS2).
Vì sao phải đầu tư đường ống Nam Côn Sơn 2?

Công trình đường ống NCS2 là dự án chiến lược của Tập đoàn, tạo cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp khí cho toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ. Gai đoạn 2 của dự án này được xây dựng sẽ phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thu gom và vận chuyển khí khu vực Đông Nam Bộ, kích thích sự phát triển thăm dò và khai thác khu vực nước sâu bể Nam Côn Sơn và Tư Chính - Vũng Mây.

Theo kế hoạch hiện tại, mỏ khí Sư Tử Trắng sẽ phát triển toàn mỏ và đưa vào vận hành vào năm 2018, mỏ Sao Vàng, Đại Nguyệt đưa vào hoạt động sau năm 2019 với sản lượng khí khai thác vượt xa công suất đường ống Bạch Hổ - Long Hải và đường ống NCS2 giai đoạn 1.

Do đó, cần thiết phải đầu tư giai đoạn 2 Dự án NCS2 để đảm bảo nhu cầu vận chuyển, xử lý khí Sư Tử Trắng, Sao Vàng, Đại Nguyệt và các mỏ tiềm năng khác về bờ từ năm 2018, đồng thời hoàn chỉnh mục tiêu chiến lược của dự án NCS2 đã được Tập đoàn phê duyệt.

Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố đã có thời gian hoạt động 20 năm, khó có khả năng đảm đương các nhiệm vụ mới trong tương lai. Do đó, điều quan trọng trong việc xây dựng hệ thống đường ống tương lai là phải tính đến cả vai trò thay thế hệ thống dẫn khí Bạch Hổ - Dinh Cố. Bên cạnh đó, các phương án đưa ra về mặt kỹ thuật, công suất, thương mại… phải đảm bảo việc cung cấp nguồn khí ổn định, lâu dài cho khu vực Đông Nam Bộ và ổn định hoạt động của PV GAS trong ít nhất 20 năm.

Các phương án đưa ra phải xuất phát từ nguyên tắc cung cầu, đảm bảo cung và cầu phù hợp, tạo hiệu quả kinh tế thực tế. Đó là những yếu tố quan trọng để tính toán, quyết định phương án phát triển hạ tầng công nghiệp khí tại khu vực Đông Nam Bộ.

Được biết, sau buổi làm việc này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để hoàn chỉnh các phương án phát triển hạ tầng công nghiệp khí tại khu vực Đông Nam Bộ.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục