Vì sao một cán bộ Bộ Công Thương sẽ bị xử lý kỷ luật trong vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển?

(ĐTCK) Bộ Công Thương cho biết, xung quanh dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Vĩnh Tân (Bình Thuận) của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, Bộ đã tiến hành điều tra, xem xét xử lý kỷ luật một cán bộ liên quan.
Cụm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 Cụm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1

Bộ Công Thương:Xem xét xử lý kỷ luật ông Hà Quốc Quân

Theo đó, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam do ông Hà Quốc Quân làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là đơn vị tư vấn cho dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Vĩnh Tân (Bình Thuận) của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Trong khi đó, ông Hà Quốc Quân hiện đang là Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Chuyển giao giao công nghệ của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương.

Để làm rõ vấn đề, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác làm việc với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp để xác minh thông tin việc ông Hà Quốc Quân tham gia điều hành doanh nghiệp trong thời gian trong khi đang là viên chức thuộc Bộ.

Theo kết quả buổi làm việc sơ bộ của Tổ công tác, việc ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp, là viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam là vi phạm Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2012, Luật Viên chức. Theo đó, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp tiến hành việc kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và xem xét xử lý kỷ luật đối với ông Hà Quốc Quân theo đúng quy định.

Theo đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hà Quốc Quân để tập trung kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và sẽ xem xét xử lý kỷ luật ông Hà Quốc Quân theo đúng quy định.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị trong Bộ tiến hành kiểm tra, rà soát đồng thời tăng cường công tác quản lý cán bộ.

Bộ Công Thương cho biết: “Quan điểm của Bộ Công thương là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Vì sao một cán bộ Bộ Công Thương sẽ bị xử lý kỷ luật trong vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển? ảnh 1

 Bản đồ vị trí nhận chìm bùn xuống biển Tuy Phong chỉ cách tâm Khu bảo tồn Hòn Cau 8 km và cách vành đai bảo vệ khu bảo tồn này 2 km. Ảnh VNE

Lần đầu Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép nhận chìm bùn xuống biển gây xôn xao 

Hiện nay, việc nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất sau nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Bình Thuận đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây là lần đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nhận chìm vật chất xuống biển.

Để đưa Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vào hoạt động, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Ngày 23/6/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, với khối lượng gần 1 triệu m3, bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa.

Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là -31 đến -36 m.

Ngay sau khi Bộ Tài nguyên- Môi trường đã cấp phép cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm vật chất xuống biển, đã có một số ý kiến lo ngại về những tác động tiêu cực đến môi trường và sinh thái biển từ việc nhận chìm.

Khu bảo tồn thiên nhiên biển Hòn Cau là một trong 3 điểm tam giác san hô của Đông Nam Á. Các chuyên gia cho rằng hệ sinh thái san hô là hệ sinh thái nhạy cảm, việc nhận chìm chất thải xuống gần khu bảo tồn sẽ ảnh hưởng rất lớn hệ sinh thái nơi đây.

 Có giấy phép nhưng chưa được giao biển.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà cho biết hiện Bộ Tài nguyên- Môi trường đang chờ kết quả quan trắc, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại khu vực biển được cấp phép nhận chìm của Viện Hải dương học để làm cơ sở thực tế, xem xét có giao khu vực biển cho doanh nghiệp được thực hiện nhận chìm hay không?. 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện theo luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo về việc cấp phép nhận chìm ở biển.

Theo quy định của Luật biển Việt Nam, để tiến hành hoạt động nhận chìm ở biển sau khi được cấp Giấy phép, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 phải được Bộ TN&MT giao khu vực biển để nhận chìm.

Trong giai đoạn này, Giấy phép nhận chìm ở biển đã cấp chỉ là căn cứ để Chủ đầu tư tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển, thực hiện công tác chuẩn bị cho nhận chìm; là căn cứ để cơ quan giám sát độc lập thực hiện các hoạt động khảo sát môi trường nền, kiểm tra lại các số liệu, mô hình trong báo cáo để cơ quan quản lý nhà nước xem xét, quyết định việc giao khu vực biển.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục