Vì sao không được xuất khẩu vàng?

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng vừa tái kiến nghị NHNN cho phép DN được xuất khẩu (XK) vàng lượng, vàng ký để cân bằng cung cầu vàng. Thực tế kiến nghị này được đưa ra cách đây 2 năm nhưng đến nay các DN kinh doanh vàng nước ta vẫn chưa được phép XK vàng.
Giao dịch vàng tại ACB Giao dịch vàng tại ACB

Theo các DN kinh doanh vàng, trữ lượng vàng trong nước đang lớn mà sức mua của thị trường lại có hạn, nhất là trong thời gian gần đây khi thị trường vàng trong nước ngưng đọng, sức mua giảm hẳn, người tiêu dùng có xu hướng bán chứ không mua vào. Một nghịch lý đang xảy ra: DN kinh doanh vàng vẫn phải thu mua và và có tình trạng tồn đọng vàng cục bộ, dẫn đến giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới.

Theo các DN, nếu không có xuất mà chỉ có nhập thì mỗi năm nước ta phải chi hàng trăm triệu USD để nhập vàng, tức DN phải tìm kiếm ngoại tệ từ trong nước mà không có nguồn thu từ XK để cân đối ngoại tệ. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc SJC, cho rằng việc XK  vàng sẽ giúp cân bằng được lượng cung cầu, tạo ra nguồn ngoại tệ, dẫn đến thị trường vàng được khai thông, phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo nhiều DN, việc không cho XK vàng vì cho rằng giá vàng trong nước sẽ tăng cao, dẫn đến lạm phát là không có cơ sở. Nếu XK nhiều, vàng trong nước cạn, dẫn đến giá trong nước tăng cao hơn giá quốc tế thì ngay lập tức các DN sẽ nhập vàng để tăng cung, không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Hơn nữa, nếu giá trong nước tăng cao hơn giá quốc tế thì chẳng DN nào lại xuất vàng để chịu lỗ. Vì vậy cho phép XK  vàng, giá vàng trong nước sẽ chỉ tiệm cận với giá vàng quốc tế chứ không thể cao hơn nhiều lần được.

Phó giám đốc một ngân hàng (NH) cho rằng việc XK vàng sẽ tạo điều kiện cho các NH cơ hội tiếp cận nguồn vốn khả dụng lớn. Hiện nay việc cho vay bằng vàng của các NH không được thuận lợi, trong khi NH vẫn phải nhận vàng gửi tiết kiệm từ dân cư. Nay các NH đã được phép kinh doanh vàng trên tài khoản, một khi được  phép XK vàng, NH có thể phối hợp cả hai nghiệp vụ trên chuyển vàng thành tiền, dùng tiền để kinh doanh vàng trên tài khoản.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, Việt Nam chỉ sản xuất khoảng 2 tấn vàng/năm trước nhu cầu vàng khoảng từ 70-80 tấn/năm nhưng không vì thế mà cho rằng không nên XK vàng. Thực tế cho thấy, nếu không cho XK vàng thì cũng đã xảy ra tình trạng “chảy máu” vàng bằng con đường xuất lậu qua biên giới. Nhà nước không quản lý được thì việc thất thu thuế là điều hiển nhiên, không thể tránh khỏi. Nhiều ý kiến khác cho rằng nếu có sự liên thông giữa xuất và nhập khẩu vàng, các DN cũng như các NH có thể đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ liên quan đến vàng, tạo nhiều kênh đầu tư cho người dân như mua vàng theo giá thế giới, mua vàng kỳ hạn, option vàng, sàn giao dịch vàng… mang lại nhiều tiện ích người dân và tạo nguồn thu phí lớn cho DN.

Ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt, giá thường xuyên biến động nhưng nó cũng phải theo quy luật cung cầu nên việc xuất khẩu vàng là chuyện bình thường ở các nước trên thế giới. Chính vì vậy Việt Nam mở cửa hội nhập thì cũng nên cho phép các DN được XK vàng chứ không nên dùng biện pháp hành chính can thiệp. Nước ta trung bình nhập khẩu 70 tấn vàng/năm thì việc cho XK vàng với tỷ lệ tương ứng thấp hơn là hoàn toàn có thể được.

Thực tế cho thấy nhiều quốc gia, lãnh thổ rất bé, họ không có tài nguyên gì và không sản xuất vàng nhưng vẫn không đóng cửa xuất khẩu vàng, mà còn đẩy mạnh mua bán khoáng sản, tài nguyên quốc gia quý của nước khác để thu thuế. Tuy nhiên để bảo đảm việc XK vàng không gây những tác động lớn đến nền kinh tế, NHNN nên cấp hạn ngạch XK vàng và có những điều kiện kiểm soát cụ thể đối với từng DN. Bên cạnh đánh thuế thấp, khoảng từ 0,3-0,5% để tránh xuất lậu, NHNN nên chọn một số DN có khả năng xuất vàng thực sự để làm nhiệm vụ xuất nhập khẩu vàng – cân đối nhu cầu thị trường, nhưng buộc các DN này phải chuyển ngoại tệ thu được vào tài khoản NH để kiểm soát.


SGGP

Tin cùng chuyên mục