Đây cũng là nguyên nhân vì sao nhiều công ty nhà nước khi IPO rất ít quan tâm đến việc cung cấp thông tin cho đối tượng nhà đầu tư đại chúng, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ.
Chẳng hạn, tại cuộc IPO của Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (Idico) vừa qua, dù không có cuộc đua về giá giữa các nhà đầu tư lớn, nhưng cũng đã thành công như dự báo với giá đấu bình quân là 23.940 đồng/CP. Đáng chú ý, mức giá đấu thành công thấp nhất là 23.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức giá khởi điểm 18.000 đồng/CP, khiến nhiều nhà đầu tư đặt mua ở mức giá 23.000 đồng/CP tiếc đứt ruột vì đã tuột mất một cơ hội. Khoảng 2/3 khối lượng cổ phiếu đấu giá rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài.
Có 35 tổ chức đầu tư đã trúng đấu giá trong tổng số 65 tổ chức tham gia đấu giá. Chỉ có 81 nhà đầu tư cá nhân trúng đấu giá trong tổng số 580 người đăng ký tham gia. Như vậy, nhà đầu tư tổ chức là những người bỏ giá sít sao nhất để dành quyền mua cổ phiếu Idico.
Thực tế cho thấy, sân chơi IPO vẫn thường thuộc về các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, hơn là nhà đầu tư đại chúng. Hay nói cách khác, mức độ “đại chúng hóa” của các cuộc IPO là không cao. Có nhiều nguyên nhân để lý giải điều này.
Thực tế, quyết định đầu tư nằm ở việc nhà đầu tư đánh giá được cơ hội đầu tư hay không. Thị trường chứng khoán không thiếu nhà đầu tư cá nhân có tiền và sẵn sàng đấu giá, nhưng họ thường bị hạn chế rất nhiều trong việc tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp trước thời điểm IPO, một yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định cuối cùng.
Như trường hợp của Idico, buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Idico, dịp để lãnh đạo Idico trả lời thắc mắc của nhà đầu tư, chỉ diễn ra trước ngày chốt danh sách đăng ký đấu giá vào 29/9 có vài ngày. Cùng với đó, cuộc gặp này cũng chủ yếu dành cho giới chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư. Rất ít nhà đầu tư cá nhân có mặt tại buổi lễ này vì không được mời rộng rãi.
Có ý kiến cho rằng, nếu nhà đầu tư cá nhân được tiếp xúc với lãnh đạo Idico sớm hơn, có lẽ khối lượng đăng ký đấu giá sẽ còn cao hơn nữa. Và khi cầu tăng thì giá đấu thành công hoàn toàn có thể cao hơn, hoặc ít nhất độ “hot” của đợt IPO cũng là cách để quảng bá cho cổ phiếu Idico khi niêm yết sau này.
Tại cuộc IPO này, một vài nhà đầu tư cá nhân không phải là người nội bộ trong hệ thống Idico và các công ty thành viên nhận định, khi niêm yết vào năm 2018, giá cổ phiếu Idico có thể lên tới 40.000 đồng/CP, nhất là trong bối cảnh giá cho thuê đất khu công nghiệp tăng cao như hiện nay.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một cán bộ trong ngành chứng khoán nhận xét, tình trạng chung là các doanh nghiệp nhà nước khi IPO thường không muốn truyền thông rộng rãi, bởi giá IPO có cao thì họ cũng chẳng lợi lộc gì. Theo quy định hiện hành, người lao động được mua cổ phần ưu đãi tính theo mức giá IPO thành công thấp nhất, nếu mức giá này cao thì họ sẽ phải mua với giá cao. Tương tự, cổ đông chiến lược cũng không muốn giá IPO cao khi mà giá bán cho các cổ đông này cũng căn cứ vào giá IPO thành công.
“Theo quy định, doanh nghiệp phải đăng thông báo IPO trên báo, nhưng họ chỉ chọn một tờ báo nhỏ nào đó, chứ không chọn các báo có lượng phát hành lớn có ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán”, vị cán bộ trên nói và cho biết: “Đó là ở các thành phố lớn, chứ các doanh nghiệp nhà nước ở các tỉnh IPO còn lặng lẽ hơn nhiều”.
Doanh nghiệp không biết hay không muốn truyền thông đại chúng, không muốn IPO trở nên “nóng quá” khi có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia vì… không ai được lợi. Bởi vậy, nhà đầu tư đại chúng sẽ phải chờ đợi đến khi cổ phiếu lên niêm yết để tiếp nhận được nhiều thông tin hơn cho quyết định đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.