Vì sao doanh nghiệp lỗ cổ phiếu vẫn tăng giá?

(ĐTCK) “Bạn chọn doanh nghiệp tốt, nhưng mua với mức giá không tốt thì bạn thua, bạn chọn doanh nghiệp tồi và mua ở giá tốt thì bạn cũng thua. Bạn chỉ thắng khi nào chọn mua được doanh nghiệp tốt ở mức giá tốt”.

Đó là câu nói của NĐT huyền thoại Warren Buffett.

Chúng ta cùng tìm hiểu các cổ phiếu trên TTCK Việt Nam để hiểu rõ hơn về câu nói của NĐT huyền thoại này cũng như có một cách nhìn khác về các cổ phiếu tăng giá chóng mặt khi doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ trong thời gian vừa qua.

Doanh nghiệp tốt: Những cổ phiếu bluechip là những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trên thị trường, có tính thanh khoản cao như: Tập đoàn Bảo Việt (BVH), CTCP FPT (FPT), Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (STB), CTCP Kinh đô (KDC), CTCP Cơ điện lạnh (REE), CTCP Chứng khoán Sài gòn (SSI), CTCP Sữa Việt Nam (VNM)... Đây rõ ràng là những doanh nghiệp tốt, có thương hiệu mạnh trên thị trường. Vấn đề là liệu đầu tư vào những cổ phiếu này có phải luôn luôn thắng, khi NĐT nào cũng đã biết, khi kết quả kinh doanh, thông tin doanh nghiệp đã quá minh bạch, công khai?

Trường hợp kỳ vọng của NĐT về mức sinh lời của doanh nghiệp cao, đẩy chỉ số P/E lên cao, giá thị trường so với giá trị sổ sách lớn gấp nhiều lần thì việc đầu tư vào những cổ phiếu này có thể sẽ thất bại vì đã mua khi giá đã quá cao.

Doanh nghiệp tồi: Những doanh nghiệp có cơ cấu quản trị lỏng lẻo, năng lực ban lãnh đạo yếu kém hoặc những doanh nghiệp có cơ cấu quản trị phù hợp, năng lực ban lãnh đạo tốt nhưng thiếu đạo đức, kinh doanh theo kiểu chụp giật thì NĐT khi mua cổ phiếu của những doanh nghiệp này ở mức giá có tốt đến đâu vẫn sẽ thất bại vì sớm hay muộn doanh nghiệp cũng thất bại. Ví dụ như CTCP Dược phẫm Viễn Đông (DVD), CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) hay CTCP Thủy sản Bình An ở Cần Thơ (công ty này không niêm yết trên sàn).

Doanh nghiệp lỗ nhưng vẫn là doanh nghiệp tốt: Những doanh nghiệp luôn đạt được lợi nhuận hàng năm khả quan dù cho thị trường có nhiều biến động theo chiều hướng xấu như BVH, FPT, STB... là những doanh nghiệp thật sự tốt mà ai cũng muốn sở hữu cổ phiếu, đặc biệt là khi giá những cổ phiếu này xuống thấp, P/E thấp và thị giá thấp hơn giá trị sổ sách. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp dù lỗ nhưng nó vẫn được coi là những doanh nghiệp tốt như REE, KDC từng lỗ năm 2008.

Qua những trường hợp kể trên, tôi có thể đưa ra một số ý kiến sau: Đối với những cổ phiếu thuộc diện cảnh báo, bị kiểm soát, bị tạm ngừng giao dịch do kinh doanh thua lỗ mà giá vẫn tăng, thậm chí tăng mạnh thì nhà đầu tư nên phân tích, đánh giá xem có phải do các NĐT lớn thao túng giá hay không, nếu quả thật thì không nên tham gia để ránh rủi ro. Còn nếu thua lỗ do khách quan là vì diễn biến chung của nền kinh tế, giá cổ phiếu nhỏ hơn giá trị sổ sách, doanh nghiệp sở hữu nhiều bất động sản, tài sản cố định,... thì đây vẫn là cơ hội lớn cho các NĐT.

Nguyễn Đức Toàn
Nguyễn Đức Toàn