Để thực hiện một báo cáo PTBV hoàn thiện, DN phải đầu tư công sức khá nhiều, từ khâu lập nhóm thực hiện báo cáo, đến việc lên kế hoạch cụ thể, từ việc lấy dữ liệu, chọn lọc và hoàn tất dữ liệu theo đúng tiến độ, nhất là tham vấn các bên liên quan. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để cải tiến công ty, bởi trong quá trình thu thập số liệu, DN sẽ phát hiện ra những điểm chưa tốt, từ đó có những thay đổi, cải tiến để hoàn thiện.
Chẳng hạn, trong quá trình tham vấn các bên liên quan, nhà cung ứng muốn DN phối hợp với họ tốt hơn trong việc đặt mua nguyên vật liệu. Để thực hiện điều này, DN cần thay đổi trong cả quy trình mua hàng, chứ không đơn giản là DN lấy ý kiến, rồi đưa vào nội dung báo cáo. Nếu chỉ dừng ở đó, DN mới đáp ứng được yêu cầu của một báo cáo PTBV, nhưng hoàn toàn “vô dụng” đối với công ty.
Bà Nguyễn Lâm Hoàng Ái, Giám đốc cấp cao Công ty TNHH Jia Hsin Hsin (công ty đã vượt qua hơn 1.000 công ty trong chuỗi cung ứng của Puma để đạt giải thưởng báo cáo PTBV) chia sẻ, trong quá trình thu thập số liệu, tham vấn các bên liên quan, Jia Hsin Hsin đã có những điều chỉnh phù hợp trong các chính sách, để phù hợp với tình hình thực tế và chiến lược phát triển của Công ty.
Theo bà Ái, thực hiện báo cáo PTBV là một công việc lâu dài, rất cần có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao, như HĐQT, Ban điều hành…, bởi chỉ có họ mới có thể xử lý các tình huống phát sinh, can thiệp để thay đổi hệ thống nội bộ khi cần thiết.
“Năm 2010, Jia Hsin bắt đầu thực hiện báo cáo PTBV để đáp ứng tiêu chuẩn là thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu cho Puma, adidas… và phải mất 1 năm báo cáo mới hoàn thành. Các năm sau, thời gian thực hiện báo cáo dần rút ngắn. Tại Jia Hsin, Tổng giám đốc là người trực tiếp hoàn thiện báo cáo nhiều lần trước khi phát hành và cũng là người trực tiếp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình làm báo cáo”, bà Ái nói và cho biết, báo cáo PTBV của Jia Hsin đều được thực hiện theo tiêu chuẩn của GRI.
Năm 2013, là năm đầu tiên trong khuôn khổ Cuộc bình chọn báo cáo thường niên do Sở GDCK TP. HCM và Báo ĐTCK tổ chức với sự tài trợ của Dragon Capital, giải thưởng báo cáo PTBV được thực hiện. Năm 2014, với sự hỗ trợ của nhóm chấm đến từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), giải thưởng báo cáo PTBV tiếp tục được duy trì, với sự chuyển biến tích cực khi ngày càng nhiều DN quan tâm hơn tới PTBV và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế khi lập báo cáo PTBV.
Điều này cũng đã được thể hiện rõ nét khi có 33 DN niêm yết quan tâm thực hiện công tác này và bước đầu áp dụng các tiêu chuẩn như hướng dẫn của IFC. Trong năm 2014, có thêm 5 DN niêm yết trên HOSE đăng ký lập báo cáo PTBV theo chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc bộ phận tư vấn, PwC Việt Nam, hội viên ACCA, Trưởng nhóm chấm báo cáo PTBV 2013 - 2014 cho biết, hai yếu tố quan trọng nhất và là “xương sống” của một báo cáo PTBV chính là tính trọng yếu và tham vấn các bên liên quan.
Theo đó, DN cần cân nhắc, đánh giá và chọn chỉ số đối với vấn đề môi trường, xã hội mà công ty coi là trọng yếu, đồng thời phải tham vấn các bên liên quan về vấn đề này. Chẳng hạn, công ty đánh giá tính trọng yếu là an toàn lao động nhưng cộng đồng địa phương lại phản ánh về tiếng ồn mà họ phải chịu đựng, như vậy, DN phải đưa nội dung “tiếng ồn” vào trong báo cáo và thuyết minh.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho báo cáo PTBV năm 2015 và những năm tới tốt hơn, DN cũng cần chú ý đến thông tin nhận định hiệu quả hoạt động theo từng năm, theo từng mục tiêu được thiết lập. Đối với nội dung quản trị trong báo cáo PTBV, DN cần đưa ra cách thức tổ chức quản lý, mức độ chịu trách nhiệm ở từng vị trí. DN cũng nên lập nhóm báo cáo PTBV riêng, trong đó phân công cụ thể trưởng nhóm, thư ký, đại diện các phòng ban…
“Mục tiêu của quản trị chính là đảm bảo nội dung thông tin trong báo cáo PTBV được thu thập một cách đầy đủ, chính xác và đáng tin cậy”, ông Thịnh nói.