Trong khi đó tỷ lệ tử vong do đại dịch SARS (từ năm 2002-2003) và dịch MERS (từ năm 2012-2019) tương ứng là 9,6% và khoảng 36%, tức là đều cao hơn tỷ lệ tử vong hiện tại do SARS-CoV-2.
Tuy nhiên trong mấy tháng qua, SARS-CoV-2 (virus corona chủng mới) đã chứng tỏ mức độ sát thủ lớn hơn nhiều lần so với SARS và MERS (cũng thuộc họ virus corona), tất nhiên là theo một cách khác.
Sự hiểm ác của SARS-CoV-2 nằm ở chỗ nó có tốc độ lây lan cực nhanh, và từ đó làm cho số ca tử vong tuyệt đối do virus này tăng lên rất cao.
Thời gian qua, dịch Covid-19 tạm dịu bớt ở Trung Quốc đại lục nhưng lại bùng phát dữ dội ở châu Âu, Bắc Mỹ, và Trung Đông. Nước Mỹ, được coi là siêu cường số 1 thế giới, đang vất vả vật lộn với dịch bệnh này.
Ngay tại Trung Quốc đại lục vẫn có nguy cơ dịch tái bùng phát nếu thiếu cảnh giác và các biện pháp phòng ngừa kiên quyết.
SARS từng lây lan tới 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiễm vào 8.096 người, và gây tử vong cho 774 người.
Còn MERS chỉ nhiễm khoảng 2.500 người và làm chết khoảng 900 bệnh nhân. Như vậy số ca tử vong do SARS-CoV-2 gây ra cho tới nay đã gấp con số tử vong do MERS và SARS là từ hơn 23 đến hơn 27 lần.
Có lẽ khái niệm tỷ lệ tử vong đối với bệnh Covid-19 nên được nhìn nhận theo hướng tỷ lệ người chết trên tổng số dân của một đất nước hoặc vùng lãnh thổ.
Tuy nhiều người trong số các bệnh nhân SARS-CoV-2 đã được chữa khỏi nhưng xã hội đã phải tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và sức lực để chữa trị cho họ. Đã vậy, trong số đó nhiều người vẫn bị di chứng lâu dài về đường hô hấp.
Trải nghiệm phải thở máy khi điều trị Covid-19 là đau đớn và là điều bất đắc dĩ. Đã có những nhà khoa học cảnh báo, dù bạn nhiễm SARS-CoV-2 rồi khỏi thì chưa chắc lần sau bạn sẽ miễn nhiễm với virus này.
Việc dồn sức chữa trị bệnh nhân Covid-19 và ngăn dịch bệnh này lây lan đã tác động tiêu cực vào nền kinh tế và làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở những nước mà dịch Covid-19 hoành hành.
Thực tế các nước như Trung Quốc, Italy, Tây Ban Nha, và Pháp đã rơi vào trạng thái tương tự chiến tranh dù các nước có tuyên bố hay không tuyên bố “chiến tranh” với Covid-19. Riêng Italy hiện đã có số ca tử vong do Covid-19 gấp đôi con số tương ứng của Trung Quốc đại lục.
Cần lưu ý thêm, dân số Italy (khoảng 60 triệu người) chỉ tương đương dân số một tỉnh của Trung Quốc nên thiệt hại về người do Covid-19 ở Italy sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều so với ở Trung Quốc.
Nhưng Covid-19 không giới hạn vào các điểm nóng nói trên, nó đã hiện diện (cho tới nay) ở 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức là gần như mọi nơi trên thế giới này. Covid-19 đang tàn phá trực tiếp và gián tiếp nền kinh tế thế giới.
Số ca nhiễm SARS-CoV-2 hiện nay đã lên tới gần nửa triệu người (gấp rất nhiều lần số ca nhiễm SARS và MERS) và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ ngừng tăng trong bối cảnh loài người còn chưa rõ nhiều điều về virus này và chưa chế được cả vaccine lẫn thuốc đặc trị nó.
Một số dự đoán bi quan cho rằng số người nhiễm SARS-CoV-2 và chết vì bệnh Covid-19 có thể sẽ lên tới hàng chục triệu người.
Trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump lạc quan cho rằng dịch Covid-19 sẽ biến mất vào tháng 4 khi thời tiết ở Bắc Bán cầu ấm lên.
Nhưng nay đã gần bước sang tháng 4 rồi, Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu lụi tàn nào trên quy mô toàn cầu cả. Không loại trừ khả năng virus mới lạ SARS-CoV-2 vẫn thích ứng tốt với khí hậu nóng.
Thực tế có những quốc gia đang có thời tiết nóng ở Trung Đông, châu Phi, châu Đại Dương, và Đông Nam Á (điển hình là Indonesia) vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm và thậm chí cả nhiều ca tử vong.
Một số nhà khoa học dự đoán dịch Covid-19 có thể kéo dài đến hết năm 2020 và có thể sang cả năm 2021. Trước kia dịch SARS “nhẹ nhàng hơn” mà còn kéo dài tới 9 tháng (từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003).
Vậy nên cộng đồng quốc tế phải tiếp tục cảnh giác, bình tĩnh, và đoàn kết trong cuộc chiến khốc liệt chống đại dịch Covid-19. Việc đúc rút bài học kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại từ các nước đang đương đầu trực diện với Covid-19 là một yêu cầu cấp bách hiện nay.